Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Những quan niệm sai lầm

Một số quan niệm chưa đúng về hạnh phúc gia đình đã ngăn trở chúng ta tìm đến hạnh phúc đích thực.

Sống cởi mở
Một gia đình hạnh phúc sẽ "quy tụ" các thành viên sống cởi mở, chan hòa hết mình với nhau? Điều này có thể đúng nhưng trên thực tế, sự cởi mở chưa hẳn đã đảm bảo hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, quan niệm về tính cởi mở rất đa dạng: Người "ruột để ngoài da" chuyện gì cũng tâm sự, thổ lộ hết với mọi người; người "im hơi kín tiếng" chỉ bộc bạch những gì rất... trừu tượng ngay cả với người thân cận nhất. Nếu đứng ở góc độ người được nghe người khạc... trút bỏ mọi nỗi niềm, liệu bạn có thoải mái đón nhận và bày tỏ sự đồng cảm? Đừng nên xem người thân là... "trung tâm lưu trữ" tâm sự buồn vui mà không cần biết "trung tâm" này có quá tải thông tin hay không? Vì thế, sống thoải mái, cởi mở là cần thiết nhưng đừng quá lạm dụng nó để gây phiền nhiễu cho người xung quanh.

Tranh cãi là... chia ly!
Nhiều đôi vợ chồng đã hoang mang nghĩ đến... chia tay khi mật độ tranh cãi vợ chồng ngày càng trở nên dày đặc, vì cho rằng bất đồng ý kiến là không hòa hợp tính cách, không thể tiếp tục cùng nhau chung sống! Nếu bạn thích sống cô độc thì hãy áp dụng suy nghĩ phiến diện này vào bất kỳ cuộc tranh cãi vụn vặt nào, bởi tình cảm chỉ luôn "xuôi chèo mát mái" ở những người không... quan tâm đến nhau! Vì thế, cần nhận định và phân tích những bất hòa gây "sứt mẻ tình cảm". Luôn nhớ rằng lời nói nhẹ nhàng, lý lẽ xác đáng sẽ có sức thuyết phục hơn là giả vờ nhất trí để tránh lục đục, sau đó âm thầm gây "chiến tranh lạnh"... vô thời hạn. Hãy bình tĩnh trước cơn bột phát nóng giận của ngời kia, đừng vội cho rằng phúc trong... cãi vã như thế là bấp bênh!

Có cùng suy nghĩ
Trên thực tết, hai cá thể kết hợp nhau trong hôn nhân thường đến từ những môi trường sống khác nhau, thụ hưởng một nền văn hóa, giáo dục có thể trái ngược nhau nên dù hòa hợp đến mấy cũng chẳng thể nào có suy nghĩ... hệt như nhau! Đừng vội nản lòng khi vợ chồng bạn có những cách nhận xét, đánh giá vấn đề khác nhau, dù đã có thời gian tìm hiểu và chung sống. Thay vì thế, hãy đón nhận người bạn đời với tất cả... tính cách "nguyên thủy" của họ, rồi học cách đạt đến sự nhất trí với nhau.

Ghi nhớ quá khứ
Ta sẽ phá vỡ hạnh phúc nếu cứ "ghi lòng tạc dạ" sai phạm trong quá khứ của người bạn đời, thỉnh thoảng nhắc lại để giúp họ... không "tái phạm"! Thái độ này chỉ khiến người ấy như sống lại nỗi dằn vặt vì sai phạm một thời, rồi dần dần những "mặc cảm tội lỗi" sẽ biến mất và thay vào đó là sự tức giận muốn trả đũa. Hậu quả là những sai phạm tương tự được lặp lại! Không thể vươn tới tương lai nếu thờ ơ với quá khứ nhưng ta chỉ cần lưu giữ những gì tốt đẹp, chẳng nên bới lại "đống tàn tro" làm gì. Với một dĩ vãng lầm lỡ, hãy tha thứ và mãi mãi ngoảnh mặt với nó.

Phân công trách nhiệm
"Đặc tính" của đàn ông là... sự rạch ròi trong việc phân bổ trách nhiệm: "Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm". Họ quan niệm rằng mỗi người tự chịu trách nhiệm về phần việc của mình sẽ giúp gia đình ấm êm, thuận hòa hơn. Điều này hợp lý nhưng vẫn chưa phù hợp với quy luật biến đối của cuộc sống vốn nhiều khi hết sức bất ngờ! Vì thế, sự phân chia trách nhiệm gia đình là điều nên có nhưng phải thật linh hoạt, để trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống, mỗi người vẫn cảm thấy hài lòng khi hoán đổi nhiệm vụ, trách nhiệm với nhau. Nếu cứ cứng nhắc tuân thủ cách chia sẻ trách nhiệm theo truyền thống - đàn ông lo kiếm tiền, phụ nữ chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình, chỉ cần một "rối loạn" nhỏ trong nếp sống thường nhật cũng khiến bạn cảm thấy lúng túng, khó xử.

Không có nhận xét nào: