Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

7 CÁCH THỂ HIỆN TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

Trong đời sống gia đình, cách tốt nhất để người chồng cảm thấy được yêu thương là người phụ nữ cần biểu hiện bằng hành động đơn giản mỗi ngày. Một cuộc hôn nhân cần được nuôi dưỡng bằng niềm tin tưởng, tình bạn và một cảm nhận sâu sắc về nhau.
Sau đây là 7 cách thể hiện tình yêu không lời.
1 - Cho chàng sự yên tĩnh
Bạn và chồng bạn đều mệt mỏi khi đi làm về. Trong khi bạn ôm con và bận túi bụi, còn chồng bạn thì bận đọc báo. Nếu điều này thường xuyên xảy ra thì cần có sự điều chỉnh. Còn đây là hành động bất thường? Hãy tìm cách hỏi xem hôm nay công việc anh thết nào. Nếu anh ta không trả lời hoặc ậm ừ - điều đó làm bạn nổi giận là điều dễ hiểu. Song, nên thông cảm với sự thất thường này của nam giới. Nam giới có vấn đề gì đó, họ thích sự yên tĩnh hơn. Nhiều phụ nữ thích nói chuyện để cũng cố mối quan hệ, nhưng đàn ông cho rằng phải nói chuyện, luôn nở nụ cười ở cơ quan là mệt lắm rồi. Điều cần cho người chồng của bạn lúc này là để anh ấy được thư giãn trong yên tĩnh, với một thái độ nhẹ nhàng, thông cảm.
2 - Hãy nghe chàng nói
Người chồng kể cho bạn nghe về chuyện chính trị, chuyện thể thao... toàn là những điều không liên quan gì đến tình cảm. Những buổi nói chuyện này có thể làm chàng cảm thấy kết nối với bạn và giúp bạn hiểu chàng hơn. Đừng để những chuyện mệt mỏi không vui như bếp núc, dọn dẹp nhà cửa... xen vào. Đôi khi nhu cầu chia sẻ của phái nam cũng không kém chị em phụ nữ.
3 - Cho chàng thời gian
Khi chồng bạn về từ một bữa tiệc đêm, đừng chào đón anh ta với bộ mặt khó chịu - điều đó như "nhắc nhở" với chàng rằng trong khi chàng vui vẻ ở ngoài thì bạn bù đầu với công việc nhà.
Thỉnh thoảng, hãy để cho chàng được thoải mái với những cuộc vui với bạn bè. Quan hệ của hai người sẽ mất mát dần nếu phụ nữ luôn quản thúc chồng.
4 - Những bất ngờ nho nhỏ
Không phải nam giới hoàn toàn vô tâm trước những chăm sóc nho nhỏ: một ly nước khi họ từ công sở về nhà; một vali hành lý gọn gàng cho chuyến công tác của chàng; một bữa tối lãng mạn với những món ăn chàng thích... Khi bị stress họ cũng muốn người vợ hỏi nhẹ nhàng: "Em có giúp được gì cho anh không?"... Những hành động nhỏ đầy ý nghĩa làm chảng cảm thấy rất biết ơn bạn và cảm thấy chàng là người rất quan trọng đối với bạn.
5 - Tỏ ra khâm phục anh ấy
Nhiều thứ đã thay đổi theo thời gian, song điều làm người đàn ông hạnh phúc là cảm thấy họ vẫn là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa tình cảm của người phụ nữ. Vì thế, đôi khi bạn đừng tiết kiệm lời khen với chồng. Chẳng hạn, nếu chàng được cất nhắc thay vì nói "tuyệt, chúng ta có nhiều tiền xài rồi" thì hãy thử nói: "Chà, cuối cùng họ cũng thấy anh đã làm việc vất vả thế nào".
6 - Cho chàng sự trưởng thành
Phụ nữ thường có thói quen càm ràm về những lỗi nho nhỏ của chồng như nói cho chàng biết phải chăm sóc bản thân như thế nào, cần lái xe cẩn thận, dạy chàng cách quan hệ với đồng nghiệp và bố mẹ hai bên. Điều đó liệu có tốt hơn cho anh ấy không? Nói quá nhiều làm anh ấy cảm thấy mình trở nên nhỏ bé trong mắt vợ. Đừng cố làm một bà quản gia của chồng. Khi bạn cư xử với chàng như trẻ con, cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể kính trọng anh ấy.
7 - Cho chàng sống như ý muốn
Nếu một ngày nào đó anh ấy nói anh muốn đi leo núi Everest hay những chuyện đại khái như vậy, thì bạn cũng nên uốn lưỡi trước khi nói: "A, vậy ai sẽ chở con đi học? Ai sẽ kiếm tiền nuôi gia đình?"
Tất cả chúng ta đều có ước mơ. Hàng ngày với công việc đòi hỏi khắt khe, nuôi nấng con cái, và quanh quẩn bạn bè và gia đình, cuộc sống thật đơn điệu. Cũng nên có ít thời gian cho những phiêu lưu thật sự. Do vậy, đừng nên dập tắt niềm mơ ước của chồng. Chia sẻ niềm mơ ước với chồng, đó là điều khiến chàng cảm thấy hạnh phúc.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Trái Tim Vô Cảm

Người ta sinh ra ở đời, ai cũng có một trái tim nhưng không phải trái tim nào cũng rung động như nhau. Có trái tim vô cùng nhạy cảm, chỉ một chút rung động nhẹ nhàng cũng xao xuyến cả tâm hồn nhưng cũng có trái tim trơ trơ như gỗ đá trước những buồn vui của người khác. Có phải "trời sinh ra thế" hay con người cần trải lòng với những gì tồn tại xung quanh, tâm hồn mới trở nên nhạy cảm, đáng yêu và có khả năng đem lại niềm hạnh phúc tinh thần cho những ai sống gần mình.

Cristophe André, một nhà tâm lý học người Pháp, mới xuất bản cuốn La force des émotions (Sức mạnh cảm xúc), đang nằm trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất hiện nay ở nước này. Khi phóng viên tạp chí Le Figaro đặt câu hỏi: "Làm thế nào để sống hạnh phúc?", ông trả lời: "Trước hết phải cảm nhận được nó. Nếu có hạnh phúc mà không ý thức được nó cũng bằng không. Thí dụ một buổi hoàng hôn mùa thu dịu mát, bạn đi dạo đâu đó trên cánh đồng hay trong công viên, bạn nghe tiếng dế kêu, nhìn lên trời, mấy vì sao lấp lánh trên bầu trời gần tối, đó là khung cảnh có thể dẫn đến hạnh phúc. Thế rồi bạn về nhà, thấy con bạn nằm trong chăn ấm thò đầu ra cười tươi: "Con chào bố", có mấy chú cún nhồi bông quanh chỗ con bạn nằm. Tự nhiên trong lòng bạn thấy dễ chịu êm ái. Đó chính là cảm giác hạnh phúc".

Theo André, "con người là một 'con vật xã hội' có trái tim nhạy cảm với đồng loại, với những khung cảnh, tình huống hạnh phúc. Trái tim ai càng nhạy cảm bao nhiêu càng có cơ may được hưởng hạnh phúc bấy nhiêu". Thật bất hạnh nếu ai đó sinh ra cũng có một trái tim nhưng lại là trái tim vô cảm. Vậy khả năng nhạy cảm của trái tim có phải là khả năng bẩm sinh, di truyền hay người ta có thể tự tạo ra nó?

Rất dễ nhận thấy khi còn nhỏ, nói chung tâm hồn chúng ta đều nhạy cảm. Trẻ thơ dễ xúc động trước những niềm vui nỗi buồn dù rất nhỏ. Nhiều em xuýt xoa thậm trí oà khóc khi con mèo bị đau hoặc vui sướng đến nhảy cẫng lên khi được ai tặng mấy cái kẹo. Nhưng rồi cùng với thời gian và sự trải nghiệm cuộc đời, có những trái tim trở nên chai sạn. Điều này một phần do ảnh hưởng của hoàn cảnh sống. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc lúc nhỏ, ta có được những người xung quanh dạy biết sướng vui, buồn khổ, chia sẻ tâm tư với mọi người không? Nếu không, ta sẽ trở nên vô cảm trước những diễn biến xung quanh, lạnh lùng và băng giá như một cánh cổng luôn khép chặt trước mọi người. Và đó là điều bất hạnh trước hết cho chính ta và sau nữa là cho ai phải ở bên ta suốt đời.

Người có trái tim nhạy cảm luôn hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác. Nhất là trong cuộc sống gia đình, mọi thành viên đều không vô cảm trước trạng thái tâm hồn của nhau. Người xưa nói: "Một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ". Đến loài vật còn thế, huống chi là con người. Thế nhưng trong thực tế, không phải bao giờ vợ chồng cũng chia sẻ được với nhau. Hiện nay ở Pháp có dịch vụ chia sẻ tâm sự. Bạn chỉ cần nhấn số điện thoại của một công ty có tên là "người bạn tâm tình", bạn sẽ được gặp một người có thế hiểu được nỗi đau của bạn. Những người sử dụng dịch vụ tâm lý này không phải chỉ toàn những người độc thân mà không ít người có gia đình, vợ chồng con cái đầy đủ nhưng chỉ vì người này vô cảm trước niềm vui của người kia nên đành phải chia sẻ với người ngoài.

Các công trình nghiên cứu tâm lý gần đây đều cho thấy nhu cầu chia sẻ tâm tình của phụ nữ cao hơn đàn ông. Tất cả những người vợ trên thế gian này đều thích được chồng quan tâm đến mình. Nếu người vợ có tâm sự buồn phiền hay một niềm vui nào đó, họ rất muốn chia sẻ với người khác, trước nhất là với chồng. Nếu người chồng lại có trái tim vô cảm, không nhận thấy trái tim xao động trong tâm hồn người vợ thì đó là niềm bất hạnh lớn mà tiền bạc, của cải không thể thay thế được. Nói một việc đơn giản như vợ may được bộ quần áo mới hoặc làm kiểu đầu mới mà người chồng có thế vô tình không nhận ra những thay đổi đó, không một lời bình luận khen chê, thì bao nhiêu công sức của vợ còn nghĩa lý gì? Trong khi chị ta đến cơ quan, từ thủ trưởng đến nhân viên, ai vừa gặp cũng thấy điều mới mẻ đó và trầm trồ khen ngợi, thử hỏi có người vợ nào không cảm thấy buồn khi sống bên người chồng vô cảm như thế?

Người đàn ông nào từng yêu dù chỉ một lần chắc chắn nhận thấy tình cảm của người phụ nữ họ yêu không bao giờ phẳng lặng như mặt nước ao hồ mà thường xuyên lên xuống như ngọn sóng. Nếu dùng đồ thị để thể hiện thì sẽ là đường biểu diễn có hình "sin". Đa số đàn ông cho điều này là lạ, có người tưởng rằng mình đã yêu phải một người kỳ quặc nhưng thật ra hầu hết nếu không muốn nói là tất cả phụ nữ đều như thế!

Nhà nghiên cứu tâm lý giới John Gray nhận thấy, khi tình yêu của phụ nữ đi lên, họ sẵn sàng hiến dâng và tiếp nhận mọi thứ nhưng lúc đến đỉnh rồi, giống như con sóng, nó đổ ụp xuống rất nhanh, nó diễn ra theo một chu kỳ tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn của họ. Jonh Gray còn khẳng định chu kỳ này thường giao động trong khoảng từ 21 đến 35 ngày. Có những ông chồng phát điên lên: "Anh đã làm gì sai? Tại sao em lại như thế?". Nhưng có gì "vô duyên" hơn câu hỏi ấy bởi vì không bao giờ có câu trả lời, ngoài sự im lặng hay những giọt nước mắt và tiếng thở dài thất vọng.

Có những người chồng khi thấy vợ lộ vẻ đau buồn đã không chia sẻ lại còn gay gắt: "Nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, con cái khoẻ mạnh, còn muốn gì?". Có lẽ với nhiều đàn ông, tiền là giải pháp của mọi vấn đề. Khi họ còn nghèo, người vợ buồn phiền họ thông cảm được, bởi nỗi khổ khi thiếu thốn về vật chất ai cũng nhìn thấy. Nhưng bây giờ họ giàu lên, nhà ba bốn tầng ôtô, tivi, tủ lạnh, điều hoà, cái gì cũng có mà người vợ mặt ủ mày ê là điều không thể chấp nhận. Họ không biết rằng khi nhu cầu vật chất của người phụ nữ được thoả mãn, họ sẽ nhận thức một cách rõ hơn về nhu cầu tình cảm của mình. Người chồng nào nghĩ rằng phụ nữ giàu có thì lúc nào cũng vui sướng và mãn nguyện là hoàn toàn sai. Quan niệm này không những phi thực tế mà còn thiếu tôn trọng người phụ nữ. Bất kể giàu nghèo, địa vị xã hội hay hoàn cảnh thế nào, người phụ nữ vẫn có quyền được cảm thấy đau khổ, thất vọng và lúc đó họ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu của chồng.

Các nghiên cứu về đời sống vợ chồng gần đây còn cho thấy, nếu lúc cảm thấy đau khổ mà phụ nữ không được nâng đỡ, chia sẻ thì sẽ không bao giờ họ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Bởi muốn cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao, phụ nữ phải có lúc chìm sâu xuống đáy giếng tâm hồn, để giải thoát, hàn gắn, làm trong sạch tình cảm của mình. Giống như để cảm thấy một bữa ăn ngon, người ta cần phải đói.

Khi tình cảm của người phụ nữ dâng lên, họ bằng lòng với thực tại nhưng khi đợt sóng tình cảm bắt đầu rút xuống mới là lúc họ ý thức được mình còn thiếu những gì. Giống như cái cốc chỉ có nước đến một nửa, khi tình cảm đang dâng lên người ta nhìn vào nửa có nước và hài lòng với sự đấy đủ của mình, còn khi xuống dốc, người ta nhìn vào nửa không có nước và chỉ thấy tất cả là trống rỗng. Vợ chồng chỉ có được hạnh phúc khi cả hai đã đồng cảm với nhau, khi vui cùng vui, khi buồn cùng chia sẻ và sẽ là bất hạnh nếu một trong hai người có trái tim vô cảm với người kia.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

10 Điều không nên nói với con trẻ

1. “Mày, tao” với con. Xưng hô như thế không chỉ thiếu lịch s ự với c on mà còn hàm ý áp đặt, xem con ở vị trí thấp trong gia đình. Nên xây dựng thành một nếp hay một truyền thống gia đình - tuyệt đối không xưng hô “mày, tao” với bất kỳ ai giữa các thành viên trong gia đình.

2. “Im ngay!”. Nói chung hạn chế những câu áp đặt, mệnh lệnh tuyệt đối. Con có quyền nói lắm chứ, nhiều khi điều chúng nói rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Vì vậy, không chỉ cho con quyền nói mà cả quyền tranh luận một cách dân chủ, thoải mái và lễ phép. Nhưng dĩ nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cha mẹ sau khi có những giải đáp mang tính định hướng, gợi mở hơn là áp đặt.

3. “Sao con xấu tính giống mẹ/ba con thế!”. Chê một người đồng thời chê một người khác nữa thì chẳng hay chút nào, nhất là người đó là ba/mẹ của trẻ. Vậy thì, việc nào ra việc đó, việc của ai nấy trao đổi, đừng lấn sân, chẳng những làm mất lòng nhau mà còn tạo ra sự nhìn nhận không hay của trẻ đối với cha mẹ.

4. “Hồi ba/mẹ bằng tuổi con, ba/mẹ đâu có hư như vậy?”. Nói chung, xây dựng hình mẫu mang tính biểu tượng là cha mẹ là điều tự nhiên và tích cực nhưng nên bằng sự làm gương tích cực hơn là đề cao qua thái độ tiêu cực của trẻ.

5. “Con mà không ngoan, ba/mẹ đuổi con ra đường luôn!”. Hoặc là đứa trẻ sẽ lo sợ mà sinh ra tâm lý bất an, hoặc là nó hoài nghi liệu mình có phải là con ruột của ba mẹ không, hoặc là nó chẳng quan tâm vì biết đó chỉ là lời dọa suông. Điều nào xảy ra trong 3 khả năng đó đều không tốt cho trẻ và dĩ nhiên cũng không thể hiện được đó là cách giáo dục tốt.

6. “Con coi kìa, bạn X. ngoan hơn con nhiều!”. Sự so sánh này có hai mặt, vừa có tích cực vừa tiêu cực. Một đứa trẻ có tính phấn đấu tốt sẽ cố gắng noi gương bạn, ngược lại nó sẽ “ì” ra, vì cho rằng không thể nào được như bạn đó, thậm chí không việc gì phải ngoan như bạn đó. Nên so sánh trong điều kiện, hoàn cảnh phù hợp.

7. “Đối với ba/mẹ, con là đứa trẻ giỏi nhất, con là thiên tài!”. Bản thân cha mẹ dĩ nhiên đừng ảo tưởng về con mình, càng không nên để nó ảo tưởng về năng lực của bản thân nó. Thiên tài nào cũng phải qua khổ luyện, phấn đấu, nên tốt hơn hết là định hướng, động viên, tạo điều kiện cho trẻ nỗ lực trong mọi việc thay vì làm cho nó tự huyễn hoặc về bản thân mình.

8. “Con cứ lo học, mọi chuyện khác không cần phải bận tâm gì cả”. Với một đứa trẻ, học dĩ nhiên là điều rất quan trọng nhưng để trưởng thành và thích nghi được với cuộc sống, trẻ phải có rất nhiều trải nghiệm. Hãy tập cho trẻ cùng tham gia suy nghĩ, giải quyết những vấn đề khác của cuộc sống, từ những điều nhỏ nhặt nhất, lau nhà, rửa chén, trông em... chẳng hạn. Những thực tiễn đó sẽ tốt hơn cho trẻ, thay vì chỉ học trên sách vở.

9. “Con mà học giỏi, muốn gì ba/mẹ cũng chiều hết”. Dĩ nhiên nên khuyến khích và động viên con học giỏi, kể cả treo thưởng, nhưng không phải bằng mọi cách, mọi giá. Điều tốt hơn cả là hãy để cho trẻ thấy được rằng, học và học giỏi là vì trẻ, là có lợi cho chúng, chứ không phải cho ba mẹ. Nếu trẻ có tâm lý học giỏi để được cái gì đó thì hóa ra tầm thường hóa việc học giỏi sao?

10. “Con đừng bao giờ chịu kém bạn bè, dù mình có kém mặt này thì cũng phải hơn mặt khác”. Ta nên và biết cách động viên trẻ nỗ lực trong mọi việc nhưng không nhất thiết phải luôn hơn ai đó. Gieo cho con suy nghĩ phải hơn mọi người có phải là tạo ra mầm mống suy nghĩ ganh đua không lành mạnh, ích kỷ, độc đoán cho trẻ không?

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Biết cách xoa để chống nhăn da



Xoa, ấn huyệt cũng là liệu pháp làm đẹp da
Dưới đây là một số cách tự xoa đơn giản theo y học thẩm mỹ cổ truyền phương Đông để làm da mặt đẹp, mịn màng.

Y học thẩm mỹ cổ truyền phương Đông thường dùng hai bàn tay của chính mình để thực hành những thao tác xoa bóp, bấm huyệt mà dễ dàng đạt được mục đích trú nhan kháng trứu (làm đẹp và phòng chống nếp nhăn da mặt). Trước hết, xát hai bàn tay vào nhau cho thật ấm rồi dùng các ngón tay rửa mặt khô theo một trong hai cách: nhắm mắt, hai bàn tay với các ngón tay khép hờ xát mạnh từ trán xuống cằm và ngược lại; hoặc nhắm mắt, hai ngón tay giữa đưa dọc theo sống mũi từ dưới lên trán, lòng bàn tay xoa trán từ giữa ra hai bên thái dương xuống gò má, hàm dưới và cằm theo hình củ hành, làm 10 lần sao cho toàn bộ da mặt nóng lên là được.

Dùng đốt cuối các ngón tay trỏ, giữa và ngón đeo nhẫn của hai bàn tay xát ngang từ giữa trán ra hai bên thái dương, từ hai bên cánh mũi ra đến tóc mai, từ hai khóe miệng đến vành tai, mỗi vị trí xát 10 lần. Sau cùng, nhắm mắt, dùng các đầu ngón tay vuốt nhẹ mắt từ sống mũi đến đuôi mắt 5 lần; dùng ngón trỏ của hai tay ấn hai khóe mắt trong cạnh sống mũi, mỗi giây ấn một lần, liên tục trong 2 phút, tiếp đó dùng hai ngón tay trỏ ấn vào hai hốc dưới mắt mỗi giây một lần, liên tục 5 lần. Chú ý phải ấn thẳng góc, không được nghiêng để tránh ấn vào nhãn cầu. Sau cùng, lại dùng ngón trỏ của hai tay ấn vào cạnh khóe mắt khoảng 2 phút; dùng ngón tay giữa lần lượt day ấn các huyệt ấn đường (ở điểm giữa đường nối hai đầu lông mày), toản trúc (ở chỗ lõm đầu trong lông mày), ty trúc không (ở chỗ lõm đầu ngoài lông mày), dương bạch (từ điểm giữa cung lông mày đo lên 1 thốn, ở người trưởng thành mỗi thốn trung bình dài khoảng 2 - 2,2 cm), thái dương (từ đuôi mắt đo ra sau 1 thốn), giáp xa (ở góc xương hàm, cắn chặt hai hàm răng huyệt nằm ở đỉnh của khối cơ nổi lên), nghinh hương (từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép), mỗi huyệt làm trong nửa phút.

Lưu ý, mỗi ngày có thể thực hành 2 lần, thao tác xoa bóp cần mềm mại, không dùng lực quá mạnh. Trước khi xoa bóp cần rửa sạch da mặt bằng nước ấm, tốt nhất là dùng nước ấm có pha thêm một chút nước cốt chanh tươi. Sau khi xoa bóp, có thể dùng nước ép một số loại rau quả như: lê, táo, củ cải, dưa chuột, cà chua, lô hội, củ đậu... thoa đều lên da mặt để làm tăng hiệu quả của phương pháp.

Cách đi tiểu có lợi cho... tình dục

Theo y học cổ truyền, tiểu tiện là một trong những hình thức chủ yếu của quá trình trao đổi chất, thay cũ đổi mới của cơ thể, có liên quan đến sự mạnh yếu của tạng thận, trong đó có công năng sinh lý tình dục.

Tuy nhiên, cách thức đi tiểu cũng góp phần không nhỏ trong việc bổ thận, cường tinh, trợ dục. Vậy, theo phép dưỡng sinh cổ truyền, đi tiểu như thế nào để có lợi cho tình dục?

Bí quyết là ở chỗ, khi đi tiểu phải sử dụng mũi bàn chân. Với nam giới, chọn tư thế đứng bằng mũi chân, lưng thẳng, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, co cơ mông, dùng lực ép của khoang bụng để tống nước tiểu ra ngoài. Với nữ giới, chọn tư thế ngồi mà hai mũi chân đỡ toàn bộ cơ thể, trong đó ngón cái và ngón thứ hai chịu áp lực mạnh nhất.

Theo cổ nhân, nếu như mỗi ngày tiểu tiện 5 - 6 lần trong tư thế như vậy thì chỉ sau vài tháng công năng của tạng thận sẽ được cải thiện, hoạt động tình dục trở nên mạnh mẽ hơn, phòng chống tích cực được các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, lãnh cảm, suy giảm ham muốn tình dục...

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Mẹo nhỏ tác dụng lớn

Có những điều tưởng chừng rất đơn giản, dễ bị bỏ qua nhưng lại có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.

Uống nước trước khi đi ngủ

Kết quả một số công trình nghiên cứu cho thấy, nếu trước khi đi ngủ uống một cốc nước, có thể giúp phòng ngừa một phần nào chứng tai biến mạch máu não.

Trong thực tế, những tai biến mạch máu não thường xảy ra vào sáng sớm. Sau một đêm dài cơ thể không được cung cấp nước, máu trở nên đặc hơn, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não. Trong một ngày máu có lúc đặc lúc loãng, đồng thời có một quy luật nhất định, buổi sáng từ 4 - 8 giờ là lúc máu đông đặc nhất, sau đó dần dần loãng ra, đến khoảng 12 giờ đêm là thời điểm loãng nhất rồi dần dần đặc lại, và đến buổi sáng hôm sau lại lên đến đỉnh cao.

Chính vì vậy, mỗi chúng ta, nhất là những người lớn tuổi, buổi tối trước khi đi ngủ nên uống khoảng 200 ml nước (khoảng 1 cốc), thì sáng ngủ dậy, không những máu không bị đặc, mà còn loãng ra. Các chuyên gia y học cũng khuyên rằng, buổi tối trước khi đi ngủ uống nước khiến cho máu loãng ra, có lợi cho sự tuần hoàn của mạch máu, giúp phòng chống tai biến mạch máu não, tuy nhiên không nên uống quá nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não, sự đông đặc của máu tăng lên chỉ là một trong những nguyên nhân gây bệnh, nhưng ít nhiều có thể khẳng định, tạo cho mình thói quen uống nước trước khi đi ngủ có tác dụng nhất định đối với việc phòng chống tai biến mạch máu não.

Ảnh: Shutterstock

Ngâm chân và rửa mặt bằng nước nóng

Mỗi buổi tối nên ngâm chân và rửa mặt bằng nước nóng, tốt nhất là vào khoảng 50 độ C. Thỉnh thoảng nên cho thêm một ít dấm hoặc ít muối vào chậu nước ngâm chân. Muối có tác dụng khử trùng, còn dấm có thể tẩy vết tàn nhang trên mặt và dưỡng da.

Ngâm khăn mặt vào nước nóng, rồi vắt khô thật nhanh và đắp lên mặt, dùng mũi hít hơi nóng từ khăn tỏa ra. Khi khăn mặt nguội lại tiếp tục ngâm vào nước nóng, cứ như vậy làm đi làm lại vài lần sẽ có tác dụng chườm mắt, chườm mặt và chườm mũi.

Mũi hít hơi nóng có tác dụng phòng cảm cúm, chữa viêm mũi và chống chảy máu cam. Chườm mắt có thể góp phần chữa bệnh mắt; chườm mặt có thể giúp giảm bớt vết tàn nhang, khiến cho da càng thêm mịn màng và tăng sức đàn hồi.

Sau khi rửa mặt hãy ngâm chân vào nước nóng. Khi ngâm chân hãy lấy tay kỳ mu bàn chân, cũng có thể lấy hai chân cọ xát vào nhau. Sau 10 phút lấy khăn lau khô chân và lấy tay xoa bóp hai chân. Điều này rất có lợi vì từ khớp xương cổ chân trở xuống có 66 huyệt, tương ứng với các bộ phận trên cơ thể con người. Khi một bộ phận nào đó không được bình thường, thì những huyệt tương ứng ở bàn chân sẽ có cảm giác và sẽ xuất hiện những hiện tượng không bình thường.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chụp Ảnh Với Máy Ống Kính Tháo Rời - SLR (Single Lens Reflex)

Máy cho phép bạn ngắm nhìn ảnh và canh nét chủ đề trực tiếp qua ống kính của máy. Có loại máy chỉnh nét bằng tay (manual) và chỉnh nét tự động - AF (auto focus). Vài điều cần biết tối thiểu trước khi bấm máy:
- Những máy có số ISO (ASA), phải đặt số này đúng với độ nhạy ISO của phim (100, 200...). Riêng những máy tự động sẽ có hệ thống đọc độ nhạy phim (mã DX - Digital Index trên cuộn phim).

Sau khi đã hoàn chỉnh những điều trên, bắt đầu chụp ảnh với ánh sáng trời cần những bước sau:
- Chỉnh nét chuẩn.
- Đặt ánh sáng đúng cho tấm ảnh. Là sự phối hợp giữa tốc độ và khẩu độ để điều chỉnh lượng ánh sáng tác dụng vào phim. Hầu hết các máy ảnh SLR đều có hệ thống đo sáng giúp bạn chọn lựa cặp thông số tốc độ - khẩu độ phù hợp với độ nhạy ISO của phim gọi là thời chụp.

Thông qua máy đo, bạn có thể chỉnh cặp thông số tốc độ - khẩu độ bằng tay (manual) hoặc theo các chế độ TV, AV, P.
- Chọn tốc độ cố định - Ký hiệu TV (Time Value) trên máy thì khẩu độ sẽ tự động được chọn theo tốc độ bạn muốn. Chế độ chụp TV thường dùng cho những ảnh động. VD: để chụp ảnh sinh hoạt chọn tốc độ 125 - khẩu độ f8, nếu cùng một điều kiện ánh sáng này ảnh hoạt động nhau hơn như một em bé đang chơi đá cầu, tăng tốc độ 250 - khẩu độ tự động sẽ mở lớn f5.6 để đảm bảo lượng ánh sáng như nhau.
- Chọn khẩu độ f cố định - ký hiệu AV (Aperture Value) trên máy thì tốc độ sẽ tự động điều tiết theo khẩu độ. Chế độ chụp AV thường dùng cho những ảnh tĩnh, phong cảnh. Hai chế độ chụp TV và AV gọi là chế độ bán tự động. Nếu máy chỉ có một chế độ TV mà thôi, trong khi đó bạn lại muốn bức ảnh của mình có độ rõ nét sâu, chi tiết (ảnh trường lớn) cứ sử dụng chế độ TV và chọn tốc độ thật chậm từ 1/30 giây hay chậm hơn, lúc đó khẩu độ sẽ tự động đóng nhỏ lại. Tuy nhiên do tốc độ chụp chậm dễ làm rung máy, cần phải tì máy vào một điểm tựa thậm chí sử dụng chân máy. Còn nếu máy chỉ có chế độ AV không thì sao? Để chụp những hoạt động nhanh, cứ mở khẩu độ lớn f4 hay lớn hơn f2.8, f2... lúc đó tốc độ sẽ nhảy nhanh nhất theo điều kiện máy.

Nếu bạn là người chưa sử dụng máy nhiều, nên chọn chế độ TV với tốc độ khoảng 1/60, 1/125 tương đối sẽ không rung máy làm ảnh bị nhòe.
- Còn nếu máy có điều kiện với chế độ P - Program thật thuận tiện, máy sẽ tự động tốc độ - khẩu độ, ta chỉ việc canh nét và bấm, thậm chí nếu là máy AF chỉ cần chạm nhẹ nút bấm để lấy nét sau đó 2-3 giây bấm máy là xong, khỏi phải lo lắng suy nghĩ nhiều.
Có những loại máy hội đủ 3 chế độ AV, TV, P tùy bạn muốn chụp theo chế độ nào cho phù hợp với yêu cầu.
- Tuy nhiên cho dù chế độ tự động hoặc bán tự động, có lúc máy cũng gặp sự cố. Lúc đó người chụp cần chế độ Manual - M sử dụng đo sáng bằng mắt thường (không xài máy đo) theo qui tắc f/16 như sau:
Ống kính tiêu chuẩn (ống kính normal).
Ánh sáng chuẩn (ánh sáng chiếu từ phía sau vị trí đặt máy tới chủ đề).
Nắng ráo khoảng 1 giờ sau bình minh đến 1 giờ trước hoàng hôn (khoảng 7g - 17g ở Việt Nam). Khẩu độ chuẩn là f16, tốc độ được chọn sẽ gần nhất với độ nhạy ISO của phim đang sử dụng.
Phim ISO 100 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 200 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 400 - tốc độ sử dụng 1/500,...

Lúc đó khẩu độ tương ứng sẽ được thay đổi như sau:
- Trời trong, không mây, nắng rực, bóng đổ trên mặt đất đen đậm: f/16
- Trời nắng, nhiều mây, bóng đổ trên mặt đất dịu: f/11
- Trời sáng nhưng mây mù, không thấy bóng đổ: f/8
- Trời mây mù âm u, có sương mù: f/5.6
- Trời mù mịt, sương mù dày đặc: f/4
- Trời nắng nếu chủ đề vào hẳn trong bóng râm: f/5.6

Với cách đo sáng này, nếu chụp ảnh với ánh sáng ngược (Hướng ánh sáng sau lưng chủ đề chiếu đến mặt máy) chủ đề chiếm khoảng 2/3 khung ảnh, cần mở rộng hai lần khẩu độ. Với ánh sáng chếch ngược hoặc tạt ngang, mở rộng 1 lần khẩu độ.

Bạn có thể căn cứ theo thông số của các thời chụp trên mà tăng giảm tốc độ - khẩu độ tương ứng để có được hiệu quả như mong muốn.

Đối với những nơi thiếu sáng (không đủ ánh sáng trời) lúc đó phải sử dụng đèn flash như trong nhà, cảnh trời tối... Các loại máy ảnh SLR đều có tốc độ "ăn đèn" đồng bộ giữa máy và đèn flash thường là 1/60 hoặc 1/125. Bạn có thể sử dụng từ tốc độ này trở xuống, lúc đó ánh sáng từ đèn flash sẽ phát ra đến chủ đề và dội trở lại mặt phim. Do đó khi chụp bằng đèn flash khoảng cách giữa đèn và chủ đề quan trọng. Hầu hết các flash hiện nay đều có bảng chỉ dẫn trên đèn hướng dẫn khoảng cách bao nhiêu sẽ đặt khẩu độ nào. Nếu đèn có thêm phần Auto sẽ cho chỉ dẫn với một khẩu độ nào đó sẽ đều sáng. Ví dụ: Đèn cho Auto 5.6 từ 1m - 5m có nghĩa là các vật thể trong khoảng từ 1m - 5m nhận được một lượng ánh sáng đến như nhau. Lúc đó bạn chỉ để ý đến canh nét, còn lại để nguyên tốc độ, khẩu độ.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau

Dù đã cố, bà vẫn không thể cứu vãn cuộc sống hôn nhân của con gái. Bà tâm sự...

- Khi bà chia tay với ông con gái đã sắp xếp một chuyến du lịch mong hàn gắn ba mẹ. Vậy khi hôn nhân của con gái đang ở bờ vực, bà đã khuyên giải con thế nào?

- Cuộc đời có duyên, có nợ. Cuộc tình của con tan vỡ cũng không tránh khỏi quy luật. Bản thân tôi cũng khóc vì thương hai đứa rất nhiều. Với tư cách một người mẹ, người bạn, những gì cần nói đã nói, cần làm cũng đã làm, nhưng tôi tôn trọng quyết định riêng của chúng. Đôi khi, hạnh phúc như một cái vung tay, mình không thể níu kéo. Đến lúc phải buông thì buông, níu kéo để rồi cằn nhằn, rồi không vui vẻ với nhau thì không hay chút nào.

- Thường khi có đổ vỡ, người ta hay quy kết trách nhiệm. Trong chuyện của con gái mình, bà nghĩ lỗi thuộc về ai?

- Không thể đổ lỗi cho ai cả. Cả trước và sau khi sự việc xảy ra, tôi vẫn thương và xem hai đứa đều như con ruột của mình. Thật ra, hai đứa đều rất dễ thương, nhưng khi gắn với nhau lại sinh ra biết bao chuyện nhỏ nhặt. Đặc biệt là tính tự kiêu, tự ái. Nó rất nguy hiểm, "giết" người ta bất cứ lúc nào. Nhiều cái nhỏ nhặt góp vào, thành ra việc lớn. Mình không như ý, cũng phải biết chấp nhận. Tiếng Mỹ có câu: "Take two to tangle" (phải có hai người mới nhảy điệu tango) đấy thôi.

- Trường hợp không gặp may trong đời sống hôn nhân của bà và con gái dễ làm mọi người nghĩ đến cụm từ "hồng nhan đa truân". Bà nghĩ sao?

- Từ "đa truân" làm liên tưởng đến những người đàn bà cam chịu, cố lờ đi trước mọi thói hư tật xấu của chồng để an phận trong đời sống. Nhưng tôi không như thế. Người đàn ông đã có cử chỉ yêu đương với phụ nữ khác, khi quay về cảm giác dành cho nhau làm sao còn nguyên vẹn, thiêng liêng nữa. Có lẽ, tôi là người quan niệm hơi cổ hủ.

- Và đó cũng là nguyên nhân khiến hôn nhân của bà tan vỡ?

- Giờ ngồi lại, kể vì sao nên chuyện không để làm gì. Điều tôi tự hào là dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, đã đóng một vai trò quá đẹp cho chồng hãnh diện. Người ta không thấy giá trị của mình thì cũng đành chịu.

- Vì sao mà ly hôn đã lâu, bà vẫn không tiến thêm bước nữa?

- Tôi có bạn trai, nhưng không nhất thiết trói buộc nhau bằng cuộc sống hôn nhân. Ngày trước khi đám cưới với ông, tôi cũng đâu cần đến tờ hôn thú. Cho đến khi sinh con, mọi người ép quá, tôi mới ký vào tờ giấy để hợp thức hóa vị trí vợ chính của mình và để con mình có cha.

Tôi không tin vào hôn nhân bởi cái tình mình mang ra, dâng tặng cho người mình yêu mới là quý hóa. Thành công thì không nói. Khi thất bại, mình sẵn sàng là bóng mát cho người yêu tựa vào. Lúc đó mới là dịp để thể hiện lòng chung thủy, sự cần có nhau trong đời sống. Cho nên, tôi mới thích câu hát "hãy cứ là tình nhân", để được mãi chiều chuộng, nâng niu. Như vậy hay hơn là cưới nhau rồi mất đi những lời yêu ngọt ngào, tình cảm dần phai nhạt.

- Trải qua những thăng trầm trong đời, điều gì khiến bà thấy trân trọng nhất?

- Cuộc sống là phước phần, không ai có thể định nghĩa nó. Sau những vui buồn, điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau. Tôi cũng lấy đó mà dạy dỗ con cháu: đừng bao giờ nói xấu ai điều gì, thậm chí là kể lại cái xấu. Mỗi người có một cái nghiệp phải trả. Mình cố ăn ở tốt đẹp để người ta thấy mà không nói sai về mình.

Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông

Phụ nữ khi sinh đẻ sự an nguy sống chết chỉ trong nháy mắt, chẳng khác gì một chiếc thuyền đang vượt biển khơi, chỉ khi nào cập bến mới là bình yên thực sự.

"Tọa thảo lương mô", hay "Những phương pháp tốt khi sinh đẻ", là một phần trong pho Lãn Ông Tâm Lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Trong lời nói đầu Hải Thượng Lãn Ông ghi lại rằng: Quy luật sinh hóa của thiên nhiên rất mầu nhiệm, âm dương bốn mùa sinh trưởng hóa sinh, vạn vật đều có sự phân biệt khác nhau, huống gì đối với con người há không có sự nuôi dưỡng chu đáo hay sao?

Hải Thượng Lãn Ông đã đưa ra 10 điều khuyên dạy khi sinh đẻ:

1. Có thai và sinh đẻ là hiện tượng tự nhiên bình thường của phụ nữ, nếu thai phụ khỏe mạnh, khí huyết sung túc, tinh thần đầy đủ, thư thái thì việc sinh đẻ tự nhiên như người ngủ tỉnh dậy, thai có xu thế tự nhiên tìm đường ra. Nếu thai yếu thì nên bổ khí dưỡng huyết. Khi sinh đẻ cần được bà đỡ lành nghề, sản phụ không nên rặn sớm quá.

2. Khi sắp sinh, sản phụ cần an tâm định chí, thoải mái tự nhiên, đừng lo sợ, cần ăn uống đầy đủ nghỉ ngơi sinh hoạt tự nhiên, gắng chịu đau. Bình thường thì đến thời điểm chín muồi thì tự nhiên đẻ như người đi đại tiện, như quả chín tự nhiên rụng.

3. Người đỡ không được thấy sản phụ kêu đau mà ép rặn (đẻ) sớm quá, đến khi thai xuống, sản phụ không còn sức rặn để đẩy thai ra.

4. Khi sắp đẻ không nên nằm co mà ngủ, nên gượng dậy đi lại trong phòng.

5. Đến lúc đẻ cần đẻ tự nhiên không nên thúc giục, sản phụ mà rặn đúng lúc giống như chờ cho quả chín thì cuống sẽ rụng tự nhiên.

6. Cần chọn bà đỡ trung hậu, lão thành, tác phong thư thả, bình tĩnh.

7. Người đỡ cần biết phân biệt giữa tình trạng cơn đau giục giã với tình trạng sắp đẻ thật sự.

8. Sản phụ phải giữ sức đừng vội rặn sớm quá mà đuối sức, đợi khi con tới cửa mình thì chỉ rặn một hơi là con ra.

9. Sắp đẻ chớ nên bói toán, cầu cúng mà hoang mang.

10. Sắp đẻ nên ăn cháo trắng đặc nhừ, đừng ăn đồ cứng, lạnh khó tiêu, đừng để đói khát nhưng chớ ăn no mà chỉ để hơi đói là tốt.

Hải Thượng Lãn Ông còn chỉ ra 7 nguyên nhân làm khó đẻ:

1. Vì nhàn rỗi quá làm cho khí huyết kém lưu thông. Thường thấy phụ nữ nông thôn lao động chân tay lại đẻ dễ.

2. Vì bồi dưỡng ăn uống thừa quá. Thường thấy phụ nữ ăn uống sinh hoạt bình thường lại đẻ dễ.

3. Vì ham dâm dục làm thai động hao tổn khí huyết. Thường 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai dễ bị ảnh hưởng hơn.

4. Vì lo sợ hoang mang.

5. Vì nhút nhát, nhất là ở sản phụ đẻ con so, hoặc sản phụ tuổi cao.

6. Vì quá sợ hoảng hốt, vội rặn sớm thai ra không bình thường.

7. Vì đuối sức rặn sớm quá.

(Sưu tầm)