Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Những điều kiêng kị trong đời sống vợ chồng

"Chén để trong chạn còn khua" là câu nói của ông bà ta để lại, ý rằng vợ chồng với nhau đôi lúc cũng có cãi vã, giận hờn, cơm không lành, canh không ngọt là chuyện bình thường. Thế nhưng để nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng luôn bền chặt, gắn bó lẫn nhau, có những điều kiêng kị mà cả hai bên đều không nên mắc phải. Đôi khi đó chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhưng sự tổn thương để lại có thể dẫn đến những kết cục buồn.

Mặc cho vợ gánh vác mọi việc
Hiện nay, nhiều đức ông chồng có thói quen nằm khèo đọc báo chờ vợ vừa đi làm về là tất bật chuẩn bị và dọn bữa cơm tươm tất mới đến ngồi xuống bàn ăn. Mặc cho vợ dỗ dành con, người chồng thản nhiên ăn, xong bữa thản nhiên xỉa răng, uống nước. Thật tệ hại, hãy nhớ rằng việc nội trợ không phải là việc của phái nữ. Người đàn ông, người chồng trong gia đình cần biết chia sẻ với vợ công việc nhà, cùng vợ chăm sóc con cái. Người chồng lý tưởng là người biết tạo cho vợ mình có thêm thời gian phấn đấu ngoài xã hội, thực hiện những lý tưởng và ước mơ riêng của cô ấy.

Phiền trách những chuyện vụn vặt
Một số ông chồng có những thói xấu rất đáng ghét như vứt rác, mẩu thuốc bừa bãi, vứt quần áo bẩn lung tung và giẫm nguyên đôi giày rất bẩn vào nền nhà vừa được lau sạch. Những điều này thật khó chịu nhưng cũng không phải là những lỗi lớn đến mức bạn phải lớn tiếng phiền trách hoặc cằn nhằn suốt ngày. Nếu là người vợ, bạn nên kiên nhẫn dọn dẹp, nhắc khéo anh ta lưu ý hoặc có những biện pháp dí dỏm như giấu đi những món anh ta yêu thích ít ngày rồi giải thích rằng đây là vì sự bề bộn của anh ta.

Xem gia đình là nơi trút giận
Mọi thành viên trong gia đình đều có những mối quan hệ bên ngoài xã hội và đôi khi không tránh khỏi va chạm, khó chịu hoặc giận dữ nơi công sở... làm bạn như muốn điên lên. Lúc đó, hãy ý thức rằng gia đình không phải là nơi để bạn trút cơn giận. Nên tìm lúc thích hợp để tâm sự với người vợ hoặc chồng để được cảm thông, chia sẻ. Người vợ, người chồng lúc này cũng nên tìm lời lẽ thích hợp để an ủi, động viên. Như thế, tình cảm vợ chồng sẽ càng thêm mặn nồng và khăng khít.

Thiếu ý tứ, giữ gìn
Khi nóng giận, thường thì cả hai vợ chồng đều mất bình tĩnh và như thế nếu không biết kiềm chế kịp thời sẽ thốt ra những lời khó nghe. Không nên nói những lời lẽ đao to, búa lớn hoặc bi kịch hóa vấn đề. Tránh những câu nói giả thiết như: "Tôi mà không lấy anh thì đâu phải khổ sở như thế này!" hoặc: "Biết cô như thế này tôi đã không hỏi cưới cô!"... Những giả thiết như thế thường lảm tổn thương đối phương nặng nề và có thể dẫn đến hậu quả không hay. Đặc biệt, dù vợ chồng mâu thuẫn nhau đến mức nào cũng không được nói xấu hoặc sỉ nhục nhau trước mặt con cái. Trước con cái, lòng tự trọng của vợ hoặc chồng rất cao, vì vậy việc xúc phạm lòng tự trọng của vợ hoặc chồng là những sai lầm đáng trách. Hơn nữa, nói xấu nhau trước mặt con cái sẽ làm giảm lòng kính yêu của con cái đối với cha mẹ, rất khó dạy dỗ, dẫn đến những mâu thuẫn lâu dài rất khó hàn gắn trong gia đình.

Vội vàng đề cập đến việc ly hôn
Rất nhiều đôi vợ chồng đã mắc phải sai lầm này khi chung sống với nhau. Hãy nên biết rằng việc vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường (tất nhiên không phải là sự lạm dụng). Khi có xung đột xảy ra, vợ chồng nên cùng bình tĩnh giải quyết mâu thuẫn, tháo gỡ gút mắc. Nếu cuộc sống vợ chồng còn nhiều khó khăn hãy cùng nhau vượt qua, như vậy tình cảm vợ chồng sẽ càng thêm keo sơn, mặn nồng. Đừng để những cuộc cãi vã lẫn chồng đều mệt mỏi, chán chường. Cũng đừng bao giờ dùng những lời lẽ xúc phạm nhau, cũng đừng đem giải pháp ly hôn ra để tạo áp lực cho cả vợ và chồng.

Thiếu thận trọng trong chi tiêu
Nên nhớ rằng bây giờ bạn đã có gia đình với hàng trăm điều phải lo toan chứ không phải là một người độc thân thích chi tiêu tùy ý được. Hãy cùng vợ hoặc chồng bạn lên kế hoạch tiết kiệm để luôn luôn đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình, nhất là cho các con của bạn. Trong những vấn đề chi tiêu lớn của gia đình, phải có sự bàn bạc thống nhất giữa vợ chồng, tránh những xích mích, xung đột xảy ra chỉ vì tiền bạc.

Không có nhận xét nào: