Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Ham muốn tình dục tại sao?

Thế nào là ham muốn?
Ham muốn ở đây được hiểu theo nghĩa ham muốn sinh hoạt tình dục, tức dục năng hay libido (li-bi-do) tiếng Đức, do Sigmund Freud, bác sĩ thần kinh học người Áo khởi xướng hồi đầu thế kỷ, hiện đã được quốc tế hóa. Libido bao gồm những gì thúc đẩy chúng ta đi tìm cảm giác thích thú về mặt thể xác, bằng quan hệ tình dục hoặc hành vi tình dục. Ngay từ khi con người đầu tiên xuất hiện trên hành tinh, ham muốn rồi thỏa mãn ham muốn đã trở thành đặc tính sinh tồn, nhờ đó nhân loại mới còn hiện diện đến giờ. Vì trong bối cảnh môi trường của trái đất hàng triệu năm trước, người đàn ông tiền sử chẳng có lý do gì sinh hoạt tình dục, thà đi săn voi ma-mut hoặc câu cá... hấp dẫn hơn và cần thiết hơn. Chính vì cái ham muốn "tìm cái cảm giác thích thú" mà họ đã làm "chuyện đó", dẫn đến thụ thai, sinh sản, nên dòng giống được duy trì. Tuy vậy, điều ngộ nghĩnh là hiện nay, cho dù khoa học có đủ khả năng "bảo tồn chủng loại" bằng thụ thai trong ống nghiệm, nhưng ham muốn, cũng như "hành vi cụ thể hóa", đều không thay đổi. Nói chung con người ở cuối thế kỷ XX cũng vẫn thích thú làm "chuyện đó" giống hệt hàng triệu năm trước.

Dư thừa?
Trước chiến tranh thế giới thứ hai, nhà nghiên cứu tình dục Wilhelm Reich đã cho rằng trong suốt cuộc đời một con người sinh hoạt tình dục vào khoảng 5000 lần. Với chỉ tiêu mỗi gia đình có hai con, chắc chừng 50 lần là quá đủ để "đạt" (có tính toán trừ hao!) như vậy 4950 lần còn thừa để làm gì? Ngoài ra, cũng nên nhắc lại: phụ nữ là giống cái duy nhất trên hành tinh "thoải mái" sinh hoạt tình dục khi đang mang thai, tất cả các động vật có vú khác không thể chấp nhận con đực vào thời điểm nói trên.

Sao vậy?
Tính súc vật là con đực xuất tinh để con cái hứng lấy. Mọi súc vật như heo, chó, khỉ... đều có những lúc động đực, cần con đực, nhưng "xong chuyện" thì thôi, cho dù có mang thai hay không. Trên bậc thang tiến hóa sinh học, sau khi đã chia thành loài đực và cái, hoạt động tình dục là hành vi cao cấp nhất, tương ứng với mức độ phát triển của não. Con người là động vật được trang bị bộ óc hoàn chỉnh nhất, thì tất nhiên "chuyện đó" cũng thuộc vào hàng rắc rối, phức tạp nhất, vượt lên trên thú tính của súc vật, hoàn toàn do não bộ chỉ huy.

Như vậy tại sao lại ham muốn?
Câu này không thể trả lời do đã đi vào lĩnh vực cá nhân, đa dạng và phức tạp như chính bản thân con người. Trước hết, về mặt sinh học, khi còn ở giai đoạn phôi, mỗi con người đều có đầy đủ đặc tính của hai giới. Sau đó, sự phát triển liên tục sẽ đi hẳn về một hướng nhất định nam hoặc nữ, để cho ra đời bé trai hoặc gái, với giới tính rõ ràng. Thế nhưng ở mỗi con người vẫn còn lưu lại "một chút gì để nhớ" của giới tính đã mất đi. Không ai hoàn toàn đàn ông và cũng không ai 100% phụ nữ, tất cả mọi người trên hành tinh này đều có cả hai loại hormone nam và nữ ở những mức độ khác nhau. Ngay trong cung cách ứng xử hàng ngày, trước những tình huống bất ngờ nào đó, có thể phản ứng "rất đàn ông" (?!). Một chút âm trong dương và một chút dương trong âm là hình ảnh của thái cực, căn bản về triết học Đông phương. "Chút gì để nhớ"? như đã nói trên, khiến cho cả nam lẫn nữ đều cảm thấy yên tâm khi tìm được trọn vẹn con người lưỡng giới, lúc ban đầu. Nhu cầu "bổ sung", tất nhiên chỉ có thể thỏa mãn với một người khác giới, bù đắp lại phần nào "cái đã mất đi". Giống như phích điện đi tìm ổ cắm hoặc ống khóa đi tìm chìa khóa... Ngoài ra, trong tất cả sinh vật, chỉ duy nhất con người là biết mình chắc chắn sẽ phải chết, cho dù có thông minh, tài giỏi, lỗi lạc đến đâu chăng nữa, thì rồi cũng chết, mà thế giới cứ tồn tại, chẳng cần gì đến mình. Một thực tế tàn nhẫn, vô lý và bất công, nhưng không thể nào tránh khỏi. Anh hùng hoặc danh nhân... cũng chết, nhưng chỉ về mặt sinh học mà thôi, họ vẫn còn sống mãi trong ký ức mọi người do thường xuyên được nhắc nhở, tưởng nhớ... Mà khi vẫn còn người nào đó nhớ và biết đến mình, nhắc nhở đến mình, thì tức là vẫn còn tồn tại. "Chút gì để nhớ" dành cho hậu thế, dễ thực hiện nhất, hầu như ai làm cũng được, chính là con cái, hoặc cháu chắt... càng tốt, ý muốn này được thực hiện có suy nghĩ, chứ không đơn thuần dựa vào bản năng như súc vật. Để lại "một chút gì" tất nhiên phải cần đến người khác giới và có chọn lựa, cân nhắc thì phải tiếp xúc với nhiều "mẫu mã" khác nhau. Tóm lại, chỉ xét riêng về mặt sinh học đơn thuần, sự thu hút nam nữ để rồi ham muốn đó là một như cầu, tuy không được coi như nhu cầu cần thiết, tức thiếu không được, vì nếu thiếu "chẳng ai chết". Nhiều người suốt đời không hề quan hệ tình dục nhưng vẫn sống vui vẻ, chan hòa, hoàn toàn bình thường về mặt tinh thần cũng như thể xác.

Có cách nào làm gia tăng ham muốn? Có thuốc kích dục thật không?
Trước hết, như đã nói ở trên, con người được trang bị bộ não phát triển nhất, nên ham muốn rất ít khi chung chung, mà luôn luôn phải nhằm mục đích, "ý đồ" rõ rệt, cụ thể. "Ham muốn" tiến hành với ai? Ở đâu? Vào lúc nào?... Chứ không thể bạ đâu làm đó như súc vật. Như ông bà ta thường nói "no cơm ấm cật", do vậy nếu mạnh khỏe bình thường, lại sẵn đối tượng và điều kiện thuận lợi, thì ham muốn rất dễ phát sinh. Rất tiếc, mấy phương tiện gọi là kích dâm, kích dục đều thuộc "phạm trù" thần thoại, huyền thoại, hoặc khoa học viễn tưởng. Lý do rất đơn giản là cơ chế của hiện tượng kích thích, cảm giác, cực khoái... đều nằm ngoài sự hiểu biết của khoa học kỹ thuật hiện đại. Chỉ riêng kích thích, mỗi người đều đã có những yếu tố, cung cách, mức độ khác nhau. Nhiều ông chỉ cần nghe đối tượng thỏ thẻ qua điện thoại là "bấn xúc xích" lên ngay với kết quả trông thấy. Thế nhưng, với một cô khác, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, ngồi lù lù ngay trước mặt, thậm chí cố tình chọc ghẹo "nhằm mục đích nào đó", vẫn có thể không bị xúc động, hoặc nếu có, vẫn kềm chế được dễ dàng bằng lý trí hay ý chí. Một trăm người là một trăm cung cách, sự kích thích khác nhau, tùy theo trình độ văn hóa, giáo dục, bản chất, tâm trạng, hoàn cảnh, môi trường, đối tượng... Do vậy, nếu một loại thuốc nào đó có thể tạo ra ham muốn, thì chỉ do trùng hợp ngẫu nhiên "phước chủ lộc thầy" mà thôi.

Không có nhận xét nào: