Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Đèn đỏ trong thai kỳ

Ra máu trong bất kỳ trường hợp nào cũng kh thể xem thường, càng nguy hiểm hơn khi bạn đang mang thai. Phần lớn các trường hợp xuất huyết thường xảy ra vào ba tháng đầu của thai kỳ. Tỷ lệ sẩy thai trong những trường hợp này vào khoảng 50%. Khi này, máu có thể có màu đỏ lợt, đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Nếu xuất huyết, dù cho có biểu hiện đau bụng hay không, thai phụ cũng cần đến bệnh viện ngay để được kiểm tra kịp thời. Xuất huyết thường là dấu hiệu của các trường hợp sau:

DỌA SẢY THAI: Thường xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ. Nguyên nhân là do phôi thai chưa chưa bám chắc vào thành tử cung. Bên cạnh đó, nếu cơ thể người mẹ thiếu hoàng thể thai kỳ, một loại nội tiết tố giúp cho việc làm tổ và phát triển của bào thai, cũng gây ra tình trạng trên. Nếu phát hiện khả năng dọa sảy thai do thiếu nội tiết tố, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm định lượng hormone và cho thai phụ dùng thuốc nội tiết để dưỡng thai.

SẢY THAI: Thai phát triển không bình thường sẽ gây ra trường hợp sảy thai tự phát. 1/3 các trường hợp sảy thai tự phát là do thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể. Một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng sảy thai như chấn động cơ học (người mẹ bị ngã), nhiễm trùng. Khi này, cơ thể người mẹ sẽ tự đào thải bào thai bằng dấu hiệu xuất huyết kèm theo triệu chứng đau quặn bụng dưới, choáng váng. Thai phụ cần được đưa ngay đến bệnh viện để lấy thai lưu và hạn chế tình trạng mất máu.

NHIỄM TRÙNG: Nếu bị nhiềm nấm, nhiễm khuẩn hoặc các bệnh lây lan qua đường sinh dục, khi mang thai, người mẹ sẽ dễ bị xuất huyết do âm đạo và cổ tử cung lúc này thường tăng sinh mạch máu.

CÁC VẤN ĐỀ Ở NHAU THAI: Trong ba tháng cuối thai kỳ, tình trạng xuất huyết âm đạo có thể có nguyên nhân từ nhau thai như nhau tiền đạo, nhau bong non. Nhau tiền đạo là trường hợp nhau bám dưới vòng eo tử cung, che một phần hay toàn bộ lỗ trong tử cung, gây cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ. Nhau tiền đạo thường gây xuất huyết khi thai lớn hơn 20 tuần. Tình trạng này đòi hỏi thai phụ phải tuân theo chế độ dưỡng thai nghiêm ngặt. Từ tuần 38 cho đến khi chuyển dạ, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai. Nhau bong non là tình trạng nhau thai tách khỏi thành tử cung khi bé chưa chào đời (xảy ra với tỷ lệ 1/200 trường hợp mang thai). Triệu chứng thường là đau bụng, xuất huyết nhiều. Việc xử trí tùy thuộc mức độ bong của nhau và tuổi thai. Nếu thai chưa lớn, bác sĩ sẽ cho thuốc giảm co bóp tử cung. Trường hợp thai đã trưởng thành, bác sĩ sẽ theo dõi và cho tiến hành việc kích thích chuyển dạ hoặc mổ lấy thai.

THAI NGOÀI TỬ CUNG: Đây là tình trạng trứng thụ tinh làm tổ ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Thai phụ sẽ có những triệu chứng như đau bụng dưới, buồn nôn, hoa mắt, xuất huyết âm đạo. Thai ngoài tử cung có thể gây vỡ ống dẫn trứng, dẫn đến xuất huyết nội, rất nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ nếu không được đưa đến bệnh viện và xử lý kịp thời. Phụ nữ có tiền sử viêm nhiễm trùng sinh dục, phá thai, thai ngoài tử cung thường dễ gặp phải tình trạng này.

Lưu ý chung: Khi phát hiện bị ra máu, bạn nên dùng băng vệ sinh hoặc vải mềm lót dưới đáy quần trong. Không dùng bất kỳ vật gì đặt vào âm đạo. Sau đó, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện.

Không có nhận xét nào: