Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

Những lưu ý vàng

Chứng sa tử cung không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn tác động đến đời sống vợ chồng. Để phòng tránh, bạn nên "gối đầu giường" bài báo này.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN TÌNH TRẠNG NÀY
Sa tử cung là tình trạng tử cung bị tụt hẳn xuống dưới, thậm chí lộ cả ra ngoài. Các bác sĩ cho biết, những phụ nữ sinh nhiều lần thường bị chứng sa tử cung nhiều hơn. Nguyên nhân do sau khi sinh, dây chằng và các cơ nâng đỡ tử cung đã bị "xuống sức" do phải căng giãn hết mức để thai chui ra. Nếu lao động sớm, áp lực trong ổ bụng tăng lên, đẩy tử cung tụt xuống. Ngoài ra, người bị ho mãn tính, làm việc với tư thế đứng, ngồi xổm hoặc thể trạng yếu cũng rất dễ bị sa tử cung. Chứng bệnh này được chia thành ba giai đoạn. Ban đầu, tử cung chỉ sa xuống một ít. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau lưng, càng làm việc nhiều càng đau. Đến giai đoạn giữa, tử cung sa xuống nhưng thân vẫn còn nằm trong âm đạo. Nếu người bệnh không nghỉ ngơi, tử cung sẽ tiếp tục sa. Giai đoạn nặng, toàn bộ tử cung "di cư" hẳn xuống dưới. Về sau, khi khối thịt không tự co được, người bệnh phải tự dùng tay để "trả ai về nhà nấy". Khi tử cung phải "di cư" ngoài ý muốn, cổ tử cung dễ bị co xát, viêm nhiễm. Bàng quang và niệu đạo bị chèn ép, xô lệch, gây tiểu khó hoặc són mỗi khi ho, cười... Sự ứ đọng còn có thể gây sỏi bàng quang. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày, tâm lý bệnh nhân mà còn tác động đến đời sống vợ chồng. Không phụ nữ nào còn muốn chiều ông xã khi "cỗ máy yêu đương" bị trục trặc.

NHỮNG LƯU Ý TRONG CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ CHỮA
Phòng tránh:
- Điều đầu tiên là không nên sinh nhiều con.
- Sau khi sinh, tránh làm những việc nặng nhọc quá sớm. Nên đi lại nhẹ nhàng, nghỉ ngơi dưỡng sức. Không lao động nặng trong những ngày "đèn đỏ".
- Không nên bê vật nặng tì vào bụng.
- Dù bận rộn với con, bạn cũng nên dành chút thời gian để tập thể dục với những động tác co duỗi nhẹ nhàng. Các bài tập này sẽ giúp xương chậu vững chắc hơn.
Chữa bệnh: Khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, có thể luyện tập để tăng sức mạnh cho nhóm cơ dưới đáy bụng bằng cách nín tiểu trong khoảng 15-20 giây rồi thả ra. Mỗi ngày tập nhiều lận. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn cần đến bác sĩ để điều trị. Tùy theo mức độ, người bệnh sẽ được dùng thuốc hay phẫu thuật.

Không có nhận xét nào: