Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

5 Nguyên Nhân Của "Bệnh" Khắc Khẩu

Tại sao có nhiều cặp vợ chồng rất tâm đầu ý hợp dù họ không có nhiều điểm chung, trong khi đó nhiều người khá giống nhau về quan điểm hay cách sống lại tự nhận họ là cặp đôi “khắc khẩu”? “Căn bệnh” này lại thường hay phát sinh ngay từ những ngày đầu hai người cùng chung sống…Các chuyên gia tâm lý cho biết, một cuộc hôn nhân bền vững không chỉ dựa vào những vòng tay âu yếm, những câu thề thốt… mà phần lớn dựa vào khả năng đối thoại của vợ chồng. Có 5 sai lầm thường xảy ra khi đối thoại có thể dẫn đến tình trạng xích mích thường xuyên trong gia đình.

1. Không sẵn sàng chia sẻ những xúc cảm cá nhân. Nhiều người vì không muốn vợ hoặc chồng lo lắng về mình nên không thích nói ra suy nghĩ thật. Hoặc có khi vì tâm lý lo sợ rằng bạn đời sẽ phán xét hoặc bác bỏ ý kiến của mình nên ít bộc bạch nỗi lòng riêng. Điều này sẽ khiến cả hai không hiểu rõ về nhau và dễ dẫn đến các hiểu lầm nhỏ nhặt – tuy nhỏ nhặt song đủ làm bùng nổ các cuộc cãi vã.

2. Thiếu khả năng lắng nghe. Có nhiều cặp vợ chồng mới cưới nhưng không dành thời gian để cùng chia sẽ những chuyện hàng ngày và họ ít chú ý trong việc nắm bắt ý của bạn đời. Thông thường các ông chồng hay bị vợ phàn nàn là thiếu kiên nhẫn khi lắng nghe, hay ngắt lời và trong các cuộc bàn bạc, tranh luận thường nhanh chóng áp đặt ý kiến chủ quan của họ như là ý kiến cuối cùng. Chính vì vậy, sau đám cưới phụ nữ thường cảm thấy thất vọng vì sự vô tâm của người chồng.

3. Từ chối tranh luận và cùng nhau giải quyết vấn đề. Các cặp vợ chồng mới cưới khi gặp các vấn đề nhỏ phát sinh trong cuộc sống thường nhật, thay vì để tìm ra giải pháp thì họ lại ngại tranh luận và có xu hướng né tránh đi vào trực diện vấn đề. Do đó, nhiều khi chuyện bé có thể trở nên vấn đề rất trầm trọng, làm tổn thương hai người. Chẳng hạn, người vợ muốn chồng cùng chia sẻ việc nhà, còn người chồng lại không để ý tới chuyện đó; lẽ ra cùng ngồi lại bàn bạc để thuyết phục chồng thì vợ lại im lặng hoặc phản đối chồng bằng cách tỏ thái độ bực tức, giận dỗi…

4. Bảo thủ và chỉ trích lẫn nhau. Từ việc thiếu sự lắng nghe và không chia sẻ các cảm xúc cá nhân với nhau, tình cảm của hai người sẽ dần xa nhau và đến một lúc nào đó họ rất dễ nổi nóng khi gặp các trục trặc nhỏ. Và đây chính là thời điểm cả hai dễ dàng lao vào các cuộc chỉ trích, cãi vã, “moi móc” các thói xấu của nhau ra để phê phán. Cũng chính vì ít chia sẻ nên họ sẽ trở thành những người… tương đối bảo thủ mỗi khi cãi cọ.

5. Không có khả năng thấu hiểu người bạn đời. Trước khi cưới bạn có thể rất hiểu về tính tình của người yêu, nhưng sống chung với nhau lại là chuyện khác – khi đó bạn phải hiểu về người bạn đời một cách chi tiết hơn, cụ thể hơn nữa… Chẳng hạn như thói quen trong ăn uống, giải trí, những trăn trở, lo lắng… Chỉ khi thấu hiểu hai người mới tìm cách dung hòa với nhau, tôn trọng các sở thích của nhau - miễn là sở thích đó không ảnh hưởng xấu tới gia đình.

Khi hạn chế được 5 nhược điểm trên ngay từ những ngày đầu chung sống, chắc hẳn các cặp vợ chồng sẽ không mắc phải vấn đề “khắc khẩu” – một căn bệnh có thể phá hoại hạnh phúc đôi lứa.

Không có nhận xét nào: