Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Rắc rối thai kỳ

Chuột rút (vọp bẻ), táo bón, tiêu chảy, sạm da... là những vấn đề thường gặp trong thai kỳ. Làm sao khắc phục? Trong quá trình mang thai, người phụ nữ sẽ trải nghiệm nhiều thay đổi thất thường trong cơ thể. Các biểu hiện dưới đây rất thường gặp ở thai phụ, khiến họ khó chịu. Hãy chú ý để khi những điều đó xảy ra, bạn đã cầm chắc trong tay giải pháp đối phó.

1. Nặng chân, chuột rút: Từ tháng thứ tư trở đi, nhiều thai phụ hay bị chuột rút vào ban ngày hoặc đêm khiến họ mất ngủ. Ngoài ra, hiện tượng phù chân cũng gây cảm giác nặng nề khi di chuyển. Khi bị chuột rút, hãy duỗi chân và day các đầu ngón chân, cơn đau sẽ giảm dần. Cách khác, bạn có thể chườm nước ấm hoặc đi bộ vài phút. Để ngăn ngừa, bạn tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu. Thường xuyên duỗi chân, xoa bóp cổ chân và các ngón chân, tắm nước ấm trước khi đi ngủ, dùng viên uống bổ sung canxi, giảm ăn mặn, kê chân lên gối khi ngủ.

2. Da đổi màu ở nhiều nơi: Làn da bạn bỗng chuyển sang sẫm màu ở một số nơi: vùng kín, dưới khuỷu, cánh tay... Trên mặt cũng có vết nvm hoặc tàn nhang. Tình trạng này xảy ra do cơ thể gia tăng sản xuất sắc tố melanin. Những dấu hiệu chuyển đổi sắc da không đáng ngại, sẽ bình thường lại sau khi sinh. Để hạn chế, bạn nên che nắng khi ra đường. Tuyệt đối không dùng sản phẩm lột da vì có thể gây nguy hiểm.

3. Táo bón, tiêu chảy là hai hiện tượng thườn gặp suốt thai kỳ và xảy ra với 1/3 người trong số phụ nữ mang thai. Táo bón do nội tiết tố progesterone làm chậm hoạt động của hệ tiêu hóa và thai nhi lớn làm tăng sự tắc nghẽn ở vùng xương chậu. Để ngăn chặn, nên ăn thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, uống nước trái cây. Tránh cà phê, trà, nước ngọt. Còn tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa như cơ thể không dung nạp đường lactose, nhạy cảm với một số thực phẩm, vi khuẩn... Cần đến bác sĩ ngay nếu tiêu chảy kèm theo nôn.

4. Tăng dịch tiết âm đạo: Khi mang thai, cơ thể bắt đầu gia tăng sản xuất nội tiết tố estrogen và progesterone, dẫn đến tăng dịch tiết âm đạo. Nên thay quần lót khi thấy dịch màu trắng tiết ra nhiều hoặc dùng băng vệ sinh hàng ngày. Đến gặp bác sĩ khi dịch tiết có mùi hôi hoặc ngứa ngáy vùng kín.

5. Tăng tiết mồ hôi, cảm thấy nóng bức xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ. Đó là do sự gia tăng lưu thông máu và trao đổi chất ở da. Hàm lượng nội tiết tố thay đổi cũng làm giảm khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Để xoa dịu, thai phụ nên mặc trang phục mỏng, hút mồ hôi, uống 2 lít nước/ngày...

Không có nhận xét nào: