Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chụp Ảnh Với Máy Ống Kính Tháo Rời - SLR (Single Lens Reflex)

Máy cho phép bạn ngắm nhìn ảnh và canh nét chủ đề trực tiếp qua ống kính của máy. Có loại máy chỉnh nét bằng tay (manual) và chỉnh nét tự động - AF (auto focus). Vài điều cần biết tối thiểu trước khi bấm máy:
- Những máy có số ISO (ASA), phải đặt số này đúng với độ nhạy ISO của phim (100, 200...). Riêng những máy tự động sẽ có hệ thống đọc độ nhạy phim (mã DX - Digital Index trên cuộn phim).

Sau khi đã hoàn chỉnh những điều trên, bắt đầu chụp ảnh với ánh sáng trời cần những bước sau:
- Chỉnh nét chuẩn.
- Đặt ánh sáng đúng cho tấm ảnh. Là sự phối hợp giữa tốc độ và khẩu độ để điều chỉnh lượng ánh sáng tác dụng vào phim. Hầu hết các máy ảnh SLR đều có hệ thống đo sáng giúp bạn chọn lựa cặp thông số tốc độ - khẩu độ phù hợp với độ nhạy ISO của phim gọi là thời chụp.

Thông qua máy đo, bạn có thể chỉnh cặp thông số tốc độ - khẩu độ bằng tay (manual) hoặc theo các chế độ TV, AV, P.
- Chọn tốc độ cố định - Ký hiệu TV (Time Value) trên máy thì khẩu độ sẽ tự động được chọn theo tốc độ bạn muốn. Chế độ chụp TV thường dùng cho những ảnh động. VD: để chụp ảnh sinh hoạt chọn tốc độ 125 - khẩu độ f8, nếu cùng một điều kiện ánh sáng này ảnh hoạt động nhau hơn như một em bé đang chơi đá cầu, tăng tốc độ 250 - khẩu độ tự động sẽ mở lớn f5.6 để đảm bảo lượng ánh sáng như nhau.
- Chọn khẩu độ f cố định - ký hiệu AV (Aperture Value) trên máy thì tốc độ sẽ tự động điều tiết theo khẩu độ. Chế độ chụp AV thường dùng cho những ảnh tĩnh, phong cảnh. Hai chế độ chụp TV và AV gọi là chế độ bán tự động. Nếu máy chỉ có một chế độ TV mà thôi, trong khi đó bạn lại muốn bức ảnh của mình có độ rõ nét sâu, chi tiết (ảnh trường lớn) cứ sử dụng chế độ TV và chọn tốc độ thật chậm từ 1/30 giây hay chậm hơn, lúc đó khẩu độ sẽ tự động đóng nhỏ lại. Tuy nhiên do tốc độ chụp chậm dễ làm rung máy, cần phải tì máy vào một điểm tựa thậm chí sử dụng chân máy. Còn nếu máy chỉ có chế độ AV không thì sao? Để chụp những hoạt động nhanh, cứ mở khẩu độ lớn f4 hay lớn hơn f2.8, f2... lúc đó tốc độ sẽ nhảy nhanh nhất theo điều kiện máy.

Nếu bạn là người chưa sử dụng máy nhiều, nên chọn chế độ TV với tốc độ khoảng 1/60, 1/125 tương đối sẽ không rung máy làm ảnh bị nhòe.
- Còn nếu máy có điều kiện với chế độ P - Program thật thuận tiện, máy sẽ tự động tốc độ - khẩu độ, ta chỉ việc canh nét và bấm, thậm chí nếu là máy AF chỉ cần chạm nhẹ nút bấm để lấy nét sau đó 2-3 giây bấm máy là xong, khỏi phải lo lắng suy nghĩ nhiều.
Có những loại máy hội đủ 3 chế độ AV, TV, P tùy bạn muốn chụp theo chế độ nào cho phù hợp với yêu cầu.
- Tuy nhiên cho dù chế độ tự động hoặc bán tự động, có lúc máy cũng gặp sự cố. Lúc đó người chụp cần chế độ Manual - M sử dụng đo sáng bằng mắt thường (không xài máy đo) theo qui tắc f/16 như sau:
Ống kính tiêu chuẩn (ống kính normal).
Ánh sáng chuẩn (ánh sáng chiếu từ phía sau vị trí đặt máy tới chủ đề).
Nắng ráo khoảng 1 giờ sau bình minh đến 1 giờ trước hoàng hôn (khoảng 7g - 17g ở Việt Nam). Khẩu độ chuẩn là f16, tốc độ được chọn sẽ gần nhất với độ nhạy ISO của phim đang sử dụng.
Phim ISO 100 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 200 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 400 - tốc độ sử dụng 1/500,...

Lúc đó khẩu độ tương ứng sẽ được thay đổi như sau:
- Trời trong, không mây, nắng rực, bóng đổ trên mặt đất đen đậm: f/16
- Trời nắng, nhiều mây, bóng đổ trên mặt đất dịu: f/11
- Trời sáng nhưng mây mù, không thấy bóng đổ: f/8
- Trời mây mù âm u, có sương mù: f/5.6
- Trời mù mịt, sương mù dày đặc: f/4
- Trời nắng nếu chủ đề vào hẳn trong bóng râm: f/5.6

Với cách đo sáng này, nếu chụp ảnh với ánh sáng ngược (Hướng ánh sáng sau lưng chủ đề chiếu đến mặt máy) chủ đề chiếm khoảng 2/3 khung ảnh, cần mở rộng hai lần khẩu độ. Với ánh sáng chếch ngược hoặc tạt ngang, mở rộng 1 lần khẩu độ.

Bạn có thể căn cứ theo thông số của các thời chụp trên mà tăng giảm tốc độ - khẩu độ tương ứng để có được hiệu quả như mong muốn.

Đối với những nơi thiếu sáng (không đủ ánh sáng trời) lúc đó phải sử dụng đèn flash như trong nhà, cảnh trời tối... Các loại máy ảnh SLR đều có tốc độ "ăn đèn" đồng bộ giữa máy và đèn flash thường là 1/60 hoặc 1/125. Bạn có thể sử dụng từ tốc độ này trở xuống, lúc đó ánh sáng từ đèn flash sẽ phát ra đến chủ đề và dội trở lại mặt phim. Do đó khi chụp bằng đèn flash khoảng cách giữa đèn và chủ đề quan trọng. Hầu hết các flash hiện nay đều có bảng chỉ dẫn trên đèn hướng dẫn khoảng cách bao nhiêu sẽ đặt khẩu độ nào. Nếu đèn có thêm phần Auto sẽ cho chỉ dẫn với một khẩu độ nào đó sẽ đều sáng. Ví dụ: Đèn cho Auto 5.6 từ 1m - 5m có nghĩa là các vật thể trong khoảng từ 1m - 5m nhận được một lượng ánh sáng đến như nhau. Lúc đó bạn chỉ để ý đến canh nét, còn lại để nguyên tốc độ, khẩu độ.

Không có nhận xét nào: