Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau

Dù đã cố, bà vẫn không thể cứu vãn cuộc sống hôn nhân của con gái. Bà tâm sự...

- Khi bà chia tay với ông con gái đã sắp xếp một chuyến du lịch mong hàn gắn ba mẹ. Vậy khi hôn nhân của con gái đang ở bờ vực, bà đã khuyên giải con thế nào?

- Cuộc đời có duyên, có nợ. Cuộc tình của con tan vỡ cũng không tránh khỏi quy luật. Bản thân tôi cũng khóc vì thương hai đứa rất nhiều. Với tư cách một người mẹ, người bạn, những gì cần nói đã nói, cần làm cũng đã làm, nhưng tôi tôn trọng quyết định riêng của chúng. Đôi khi, hạnh phúc như một cái vung tay, mình không thể níu kéo. Đến lúc phải buông thì buông, níu kéo để rồi cằn nhằn, rồi không vui vẻ với nhau thì không hay chút nào.

- Thường khi có đổ vỡ, người ta hay quy kết trách nhiệm. Trong chuyện của con gái mình, bà nghĩ lỗi thuộc về ai?

- Không thể đổ lỗi cho ai cả. Cả trước và sau khi sự việc xảy ra, tôi vẫn thương và xem hai đứa đều như con ruột của mình. Thật ra, hai đứa đều rất dễ thương, nhưng khi gắn với nhau lại sinh ra biết bao chuyện nhỏ nhặt. Đặc biệt là tính tự kiêu, tự ái. Nó rất nguy hiểm, "giết" người ta bất cứ lúc nào. Nhiều cái nhỏ nhặt góp vào, thành ra việc lớn. Mình không như ý, cũng phải biết chấp nhận. Tiếng Mỹ có câu: "Take two to tangle" (phải có hai người mới nhảy điệu tango) đấy thôi.

- Trường hợp không gặp may trong đời sống hôn nhân của bà và con gái dễ làm mọi người nghĩ đến cụm từ "hồng nhan đa truân". Bà nghĩ sao?

- Từ "đa truân" làm liên tưởng đến những người đàn bà cam chịu, cố lờ đi trước mọi thói hư tật xấu của chồng để an phận trong đời sống. Nhưng tôi không như thế. Người đàn ông đã có cử chỉ yêu đương với phụ nữ khác, khi quay về cảm giác dành cho nhau làm sao còn nguyên vẹn, thiêng liêng nữa. Có lẽ, tôi là người quan niệm hơi cổ hủ.

- Và đó cũng là nguyên nhân khiến hôn nhân của bà tan vỡ?

- Giờ ngồi lại, kể vì sao nên chuyện không để làm gì. Điều tôi tự hào là dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, đã đóng một vai trò quá đẹp cho chồng hãnh diện. Người ta không thấy giá trị của mình thì cũng đành chịu.

- Vì sao mà ly hôn đã lâu, bà vẫn không tiến thêm bước nữa?

- Tôi có bạn trai, nhưng không nhất thiết trói buộc nhau bằng cuộc sống hôn nhân. Ngày trước khi đám cưới với ông, tôi cũng đâu cần đến tờ hôn thú. Cho đến khi sinh con, mọi người ép quá, tôi mới ký vào tờ giấy để hợp thức hóa vị trí vợ chính của mình và để con mình có cha.

Tôi không tin vào hôn nhân bởi cái tình mình mang ra, dâng tặng cho người mình yêu mới là quý hóa. Thành công thì không nói. Khi thất bại, mình sẵn sàng là bóng mát cho người yêu tựa vào. Lúc đó mới là dịp để thể hiện lòng chung thủy, sự cần có nhau trong đời sống. Cho nên, tôi mới thích câu hát "hãy cứ là tình nhân", để được mãi chiều chuộng, nâng niu. Như vậy hay hơn là cưới nhau rồi mất đi những lời yêu ngọt ngào, tình cảm dần phai nhạt.

- Trải qua những thăng trầm trong đời, điều gì khiến bà thấy trân trọng nhất?

- Cuộc sống là phước phần, không ai có thể định nghĩa nó. Sau những vui buồn, điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau. Tôi cũng lấy đó mà dạy dỗ con cháu: đừng bao giờ nói xấu ai điều gì, thậm chí là kể lại cái xấu. Mỗi người có một cái nghiệp phải trả. Mình cố ăn ở tốt đẹp để người ta thấy mà không nói sai về mình.

Không có nhận xét nào: