Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Bỗng dưng con bướng

Nếu bỗng một ngày con đột ngột không chịu ăn, không chịu ngủ trưa hay thậm chí nín đi vệ sinh thì bạn cũng đừng quá buồn phiền. Cũng như khi thiên thần nhỏ luôn ngoan ngoãn trong vòng tay bạn nay bỗng chỉ biết đến “Đức Vua” chứ không thèm đoái hoài gì đến “Hoàng Hậu” nữa, những hiện tượng tâm lý trên đây, một khi đã hiểu được căn nguyên của vấn đề thì quả thật chúng không tệ như bạn nghĩ.
Phải làm gì đây, khi bỗng dưng con…

1. Không chịu ăn

2. Không chịu ngủ trưa

3. Nhịn đi vệ sinh

4. Khăng khăng với bộ quần áo yêu thích

5. Bố mẹ phải chủ động ngừng chiến thôi

Khi con không chịu ăn

Không ai có thể sử dụng “quyền phủ quyết” hiệu quả như trẻ ở tuổi mẫu giáo cả. Bridget Palitz, một bà mẹ ở San Diego, chia sẻ, “Khi con trai tôi lên 2, cháu không muốn ăn gì hết. Nếu là đồ ăn vặt hoặc một vài loại thực phẩm chế biến sẵn thì có thể cháu sẽ đổi ý, nhưng đối với những món đàng hoàng thì cháu nhất định lắc đầu quầy quậy. Thật sự cháu chỉ sống nhờ sữa, tương cà và bánh qui.”

Theo Will Wilkoff, tác giả cuốn Coping With a Picky Eater, thì hiện tượng kén ăn này thường diễn ra khi trẻ con được khoảng 1 tuổi – khi tốc độ tăng trưởng của bé đã chậm lại và nhu cầu thực phẩm nhìn chung không nhiều như trước đó. Khoảng thời gian từ 1-2 tuổi cũng là thời điểm để bé thử nghiệm và lo lắng đối mặt với những điều mới lạ bao gồm con người, mùi vị và các kết cấu.

Vậy nên bạn đừng nghĩ đến việc dọa nạt hay dụ dỗ con ăn, đừng làm to chuyện khi bé ăn hoặc không ăn món gì. Bạn không cần nói gì cả ngoài việc bày món ăn lên bàn và “làm mẫu” – việc này có thể không có tác dụng trong ngày một ngày hai nhưng bé sẽ chịu ăn một khẩu phần cân bằng chất dinh dưỡng sau đó. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ đừng để bé ăn vặt và uống nước căng cả bụng, cũng đừng nhượng bộ hay thay đổi thực đơn.

Khi con không chịu ngủ

Đứa con 3 tuổi của bạn bỗng nhiên phá phách không chịu ngủ trưa ư? Bé không phải trường hợp cá biệt đâu, vì đến đứa bé ngủ ngoan nhất cũng có thể nhặng xị cả lên đặc biệt khi được 2 tuổi. Ở tuổi này bé bắt đầu nhận ra có nhiều điều vẫn diễn ra trong nhà khi bé đang ngủ nên không muốn mất cơ hội mục thị những sự kiện ấy.

Con cứ ôm lấy đồ chơi và chẳng chịu ngủ trưa?

Quan trọng là bạn phải tiếp tục kiên định. Thậm chí nếu bạn có ngờ rằng con mình sẽ chẳng chịu ngủ trưa đâu, và rằng cứ để bé thức có khi còn đỡ phiền toái hơn dỗ dành bé đi ngủ, thì vẫn hãy tuân thủ theo giờ ngủ đã được quy định hàng ngày. Bé có thể sẽ ngoan ngoãn ngủ khi thấy trong phòng thật im ắng. Nếu con bạn mới bắt đầu chuyển từ ngủ cũi sang ngủ giường thì sự tự do mới có thể hấp dẫn bé, và bạn có thể cất hết đồ chơi để bé không còn bị hấp dẫn bởi những món đầy sắc màu ấy.

Nếu tình trạng này tiếp tục trong nhiều tuần và bé vẫn tỉnh táo đến chiều thì có thể bé không cần ngủ trưa nữa. Giai đoạn này xảy ra khi bé từ 2 – 5 tuổi. Hơn nữa, với một số đứa trẻ, ngủ trưa có thể làm bé khó ngủ hơn vào buổi tối.

Con nhịn đi vệ sinh

“Brennan bắt đầu nhịn đi vệ sinh khi bé lên 2,” Denise McVey ở New Jersey chia sẻ. “Sau 5 ngày, tôi cảm thấy lo lắng.” Khi trẻ con bắt đầu nhận thức được về cơ thể mình, chúng có thể cảm thấy sợ hãi mất một phần cơ thể hoặc sợ ngã vào bồn cầu. Còn những bé bị táo bón sẽ sợ đau khi đi vệ sinh. Do đó, bác sĩ Willkoff mách rằng để con đi vệ sinh dễ dàng hơn, tránh được những nỗi sợ khủng khiếp kia, bạn hãy cho bé ăn chuối, bớt sử dụng những thực phẩm từ sữa mà thay vào đó tăng lượng nước, nước ép và trái cây như đào và nho – những thứ có khuynh hướng giúp bé nhuận trường. Nếu không hiệu quả, bác sĩ nhi đồng có thể khuyên bạn dùng thuốc nhuận trường nhẹ.

Tuy nhiên nếu đây là cách mà bé đang cố để tránh tập ngồi bô thì hãy nhượng bộ và cho bé chọn giữa việc tập ngồi bô hay tiếp tục đóng tã. Đó là lời khuyên của Claire Lerner, giám đốc một tổ chức phi chính phủ chuyên về những vấn đề trẻ và trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. “Bạn càng cho trẻ tự quyết bao nhiêu thì trẻ càng sớm phát triển bấy nhiêu.”

Con tự chọn quần áo

“Jimmy bắt đầu trở nên ngoan cố trong chuyện mặc quần áo khi bé 20 tháng tuổi,” Jennifer Porter, một bà mẹ ở Seattle chia sẻ. “Bây giờ nếu không cho bé mặc bộ quần áo lót yêu thích thì ‘chiến tranh’ sẽ nổ ra!”

Sở thích của con bạn thật sự là một dấu hiệu của việc hình thành sự tự chủ và muốn thể hiện bản thân. Đảm bảo rằng việc con bạn chỉ mặc độc nhất chiếc áo màu tím ngày này qua ngày khác sẽ làm bạn mắc cỡ nhưng chuyện đó là bình thường. Khi nó bẩn, trở thành một vấn đề vệ sinh cũng như gây ác cảm về vẻ ngoài, hãy đem giặt và bạn có thể tranh thủ thời gian chờ quần áo khô để nói về một chiếc áo thơm tho, sạch sẽ và sự điều độ. Hãy đặt ra vài giới hạn cơ bản và có một cái nhìn thoáng một chút: sự lựa chọn quần áo kỳ lạ sẽ tạo nên những bức hình vui nhộn về sau.


Ngừng chiến

Bị lôi kéo vào một cuộc giằng co với bé thì phần thua chắc chắn thuộc về bạn thôi; do đó hãy thử 3 cách sau để trợ nên kiên định và tránh kéo dài tình trạng này.

Đừng thỏa hiệp – Bạn đang ở một phe của cuộc chiến và đang cố gắng để con chấp nhận những giới hạn bạn đặt ra. Hãy đảm bảo ranh giới mà bạn đã vạch ra, nếu không hãy xem xét cẩn trọng lại các quy tắc đó.

Bình tĩnh – Hãy nghiêm túc cho con biết về những quy tắc, cũng như bé sẽ được tự chủ đến mức nào. Ví dụ: bạn có thể nói: “Đến giờ ngủ trưa rồi, con có thể ngủ hoặc chơi thật im lặng trong phòng của con. Con tự quyết định lấy nhé.”

Đưa ra những lựa chọn – Trẻ con là trẻ con, chúng thể nào cũng sẽ nài nỉ để được xem thêm TV, đọc thêm truyện, hay ăn thêm bánh ngọt… Nhưng nếu bạn chơi công bằng, cho bé tham gia vào một số quyết định, bé sẽ không còn "chống đối" nhiều như trước nữa đâu.

Không có nhận xét nào: