Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Bí kíp luyện cho con ăn ngoan và ăn giỏi

Nếu bạn hiểu rõ giá trị của những món ăn ngon và tốt cho sức khỏe thì không còn gì thỏa mãn hơn việc ngắm nhìn con mình khám phá ra niềm vui ăn uống. Nhưng làm sao bạn đào tạo cho được một đứa trẻ thích trái cây hơn khoai tây chiên, sẽ không quay lưng với bông cải và cá hồi? Câu trả lời ngắn gọn là: hãy bắt đầu ngay từ bây giờ!

Khẩu vị của chúng ta nhìn chung được hình thành từ rất sớm – trong vài năm đầu đời, mà đặc biệt là năm đầu tiên – nhờ vào những ‘quảng cáo’ mà ta nhận được. Chúng ta có khả năng dạy con mình nhận ra và thích thú với nhiều món ăn tốt. Nếu để lỡ cơ hội đó, kết cục ta sẽ có những đứa trẻ kén ăn chỉ thích những món của trẻ con, và ta sẽ phải vật lộn chỉ để khiến được chúng thích rau trái hơn một chút. Vậy nên hãy bắt lấy cơ hội có từ rất sớm kia. Dưới đây là 10 chiến lược bắt đầu từ muỗng thức ăn dặm đầu tiên, sẽ giúp bạn nuôi dạy một đứa trẻ học ăn – và học cách yêu thích – mọi loại thức ăn.

1. Thời điểm thích hợp để ăn những miếng đầu tiên

Thời điểm tốt nhất để cho con ăn dặm lần đầu tiên là khi bé cảm thấy tươi tỉnh và sảng khoái nhất – tức vào buổi sáng hay ngay sau khi ngủ giấc trưa. Hãy đảm bảo là bé của bạn cảm thấy đói bụng chứ không phải là đói đến mềm người, và các anh chị lớn của bé không chạy nhảy chơi đùa xung quanh (gây mất tập trung). Bạn cũng hãy tắt TV và cất điện thoại của bạn đi nữa nhé. Không có nguyên tắc nào về việc cho ăn gì trước cả, đó có thể là ngũ cốc trộn với sữa mẹ hay sữa công thức. Chuối và bơ có vẻ là loại thức ăn chuyển tiếp dễ dàng, nhưng bạn cũng có thể bắt đầu bằng rau xanh, hay thậm chí là thịt. Sau vài cảm giác ban đầu, con bạn nhiều khả năng sẽ chỉ nhấm nháp vài miếng. Khi bé trề môi, quay đi, lắc đầu hay trở nên xao lãng, nghĩa là bé đã thấy đủ rồi đấy.

2. Tấn công dồn dập bằng sự đa dạng.

Sau khi con bạn đã quen với hoạt động ăn này, hãy giới thiệu cho con những loại thức ăn mới một cách nhanh chóng. Một số chuyên gia khuyên bạn cho bé ăn cùng một loại thức ăn trong vài ngày để nếu có phản ứng không hay xảy ra thì sẽ dễ dàng xác định được đâu là thủ phạm. Nhưng những chuyên gia khácthì khuyên bạn giới thiệu cho con thức ăn mới mỗi ngày – và cho con ăn hỗn hợp càng sớm càng tốt. Một số chuyên gia cho rằng ý tưởng dùng những loại thức ăn riêng lẻ sẽ chỉ dạy trẻ con trở thành những đứa kén ăn mà thôi. Hãy dùng những loại thức ăn quen thuộc để giới thiệu những loại mới; nếu con bạn mê ăn chuối, hãy dùng nó để trộn với đu đủ.; nếu con bạn thích táo, hãy nghiền nó cùng với quả việt quất. Bạn đang tìm cách nào đó vui vui để quyết định xem nên cho con thử món mới nào tiếp theo? Hãy nghĩ theo hướng màu sắc cầu vồng (hãy nghĩ đến: quả ổi, bí đỏ, bắp, bông cải xanh…) và con bạn sẽ được thử nhiều mùi vị và chất dinh dưỡng.

Webtretho - Chế độ ăn đa dạng cho trẻ nhỏ

Cho ăn đa dạng ngay từ bé giúp hạn chế kén ăn về sau

3. Thử, lại thử, và lại thử

Không thành công với cà rốt ư – vậy hãy thử lại sau vài ngày. Lặp đi lặp lại nếu cần thiết. Các nghiên cứu nói rằng cứ 4 bà mẹ thì lại có 1 người bó tay bỏ cuộc sau khi con họ từ chối thử một loại thức ăn nào đó trong khoảng 5 lần hoặc ít hơn. Vấn đề là, nghiên cứu cho thấy có thể phải mất đến 15 lần thử trước khi đứa trẻ chịu chấp nhận một món ăn mới nào đó. “Nếu bạn có thể dụ được con thử thứ gì đó chỉ trong khoảng từ 6-10 lần, bạn có nhiều khả năng đã hình thành được sự yêu thích của con đối với loại thức ăn đó. Chứng minh cho điều đó, một nghiên cứu mà trong đó những người tham gia được yêu cầu cho con mình ăn loại bột nhuyễn với rau mà chúng ghét nhất liên tục nhiều ngày. “Khoảng sau hai tuần một chút, phần lớn chúng đều trở nên thích loại thực phẩm đó. Khi con bạn đã lớn hơn, hãy chuẩn bị tinh thần cho những thời kỳ kén ăn, và khi đứa con chập chững của bạn tuyên bố món cà rốt một thời yêu thích nhất của bé là “kinh”, hãy thay đổi cách bạn chế biến: hôm thì nướng, hôm thì hầm với thịt, hôm thì hấp chấm sốt chẳng hạn.

Hướng dẫn cho ăn theo lứa tuổi

  • Giai đoạn mang thai và mới sinh: Mẹ hãy ăn đi! Con bạn sẽ nếm những gì bạn ăn qua nước ối và sữa mẹ.
  • 4-6 tháng: Bắt đầu ăn dặm. Những dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng: bé có thể tự ngồi một cách độc lập và tóm lấy các thứ cho vào mồm.
  • 7 tháng: Cho bé làm quen với các loại thức ăn thô hơn. Nghiên cứu đã cho thấy việc ăn những món bột nghiền siêu nhuyễn đến quá tháng thứ 9 có liên hệ đến tình trạng kén ăn sau này.
    Webtretho - Thức ăn thô

    Tăng dần độ thô của thức ăn theo lứa tuổi của trẻ.

  • 8-9 tháng: Thêm thức ăn bốc tay! Trong lúc luyện tập động tác dùng tay để kẹp, bé sẽ thích bốc những mẩu thức ăn mềm.
  • 10-11 tháng: Cho con ăn thêm nhiều mùi vị. Các chuyên gia cho rằng nếu đến 1 tuổi mà con bạn chưa được làm quen nhiều mùi vị khác nhau thì nhiều khả năng bé sẽ có khẩu vị nhạt nhẽo và bị giới hạn nhiều khi lớn lên.
  • 12-14 tháng tuổi: Đã có thể cho bé uống sữa bò (nguyên chất) cũng như mật ong. Tốc độ tăng trưởng của bé bây giờ bắt đầu chậm lại đáng kể, sự ngon miệng của bé cũng vậy. Bạn sẽ nhận thấy con bỏ mọi thứ vào miệng. Hãy tranh thủ khoảng thời gian tích cực khám phá này để tiếp tục giới thiệu cho con nhiều loại thức ăn mới.
  • 15-17 tháng tuổi: Vào khoảng này, bé sẽ thể có nhiều thành công với chiếc nĩa và muỗng nhỏ của mình.
  • 18-23 tháng tuổi: Giữa khoảng này và tuổi lên 3, ngay cả những bé nhiệt tình nhất cũng sẽ trải qua những giai đoạn khó tính (thuyết tiến hóa: sự kén chọn này giúp cho đứa trẻ chập chững tránh khỏi việc ăn một thứ quả lạ có thể là quả độc). Hãy sáng tạo và luôn thay đổi.
  • 24 tháng: Giờ đã đến lúc thay thế các chế phẩm sữa nguyên chất béo bằng những chế phẩm ít béo.

4. Thêm gia vị.

Không có nghiên cứu nào nói rằng ta phải cho con mình ăn một chế độ ăn nhạt nhẽo cả. Một khi chúng đã quen với thức ăn nhạt, hãy thêm dần vào đó chút rau thơm có vị dìu dịu và gia vị.” Nghiền rau mùi vào quả bơ, hạt nhục đậu khấu vào khoai lang, quế vào táo… Khả năng sáng tạo ra một món bột nhuyễn là vô tận. Trẻ chập chững thậm chí có thể thích vị hơi cay nồng một chút. Sau sinh nhật đầu tiên của bé, bạn đã có thể bắt đầu cho bé ăn hầu hết những thứ mà gia đình bạn vẫn ăn – bao gồm cả món cà ri Thái đỏ.

5. Giúp con gắn kết với thức ăn.

Hãy đưa cho con bạn một quả bơ và nói “quả bơ”. Bạn đang cùng con học và sử dụng các dấu hiệu, và nhớ đừng bỏ quên chủ đề thực phẩm nhé. Gọi tên thức ăn – và có những dấu hiệu cho chúng – sẽ giúp trẻ nhỏ thực sự sớm nhận biết được các loại thức ăn đó. Trẻ nhỏ thường sẽ yêu thích những thứ mà bé nhận ra được. Khi con bạn lớn hơn một chút, hãy chơi trò “quả bơ đâu rồi nhỉ?” Nếu bạn hỏi con rằng ‘Mũi con đâu?’ hay ‘Tai con đâu?’ bé sẽ học được về những thứ đó; với thức ăn cũng tương tự vậy. Bạn có thể cho con ra chợ, trồng một khu vườn, xem những hình ảnh thức ăn. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng trẻ chập chững sẽ háo hức muốn thử các loại trái cây lạ hơn sau khi được bố mẹ đọc cho nghe những quyển sách có những loại trái cây ấy.

6. Cho con lại gần và tham gia vào việc bếp núc

Nếu bạn từng thấy có lỗi vì để con xớ rớ ở gần bếp trong khi bạn chuẩn bị bữa tối thì hãy nghe này: việc đó có thể giúp con bạn ăn ngoan hơn. Bé sẽ thấy sự liên hệ giữa bạn và thức ăn; bé ngửi thấy mùi tỏi phi, mùi súp đang sôi, những điều này giúp hình thành sự quen thuộc với thức ăn. Bạn hãy cho con tham gia vào việc nấu nướng từ sớm. Có thể cho đứa con nhỏ mới 6 tháng tuổi của mình ngồi trên ghế của bé ở chỗ an toàn và dễ quan sát trong khi bạn nghiền bột cho bé (tất nhiên, hãy đảm bảo rằng dao dùng để thái thức ăn đã được cất đi chỗ khác). Đến 18 tháng tuổi, nhiều đứa trẻ đã có thể giúp xúc bột, quay rau hay đảo các nguyên liệu trong một cái tô.

Những siêu thực phẩm cho thực đơn của con:

Một trong những lý do chính mà chúng ta muốn con mình thích ăn mọi thứ là vì chế độ ăn đa dạng sẽ cung cấp cho con nhiều loại chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Dưới đây là ba loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng mà con bạn nên ăn – nhưng có thể không chịu thử:

Cá: là nguồn protein và axit béo omega-3, rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

Làm quen: bột nghiền với loại cá nhỏ có lượng thủy ngân thấp, như cá minh thái, với một loại rau quen thuộc của con như đậu. Một lựa chọn khác là cá hồi với cà rốt.) Hãy chế biến món bột ngon lành với 75% rau và 25% cá.

Webtretho - Món ăn dặm của bé

Miếng to hơn: Cắt cá minh thái hay cá hồi thành “que”, phủ vụn bánh mỳ và nướng. Những que cá rất ngon, thú vị và hẳn nhiên là rất tốt.

Đậu lăng: cung cấp chất xơ, protein và sắt, một chất dinh dưỡng quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Làm quen: Bột nghiền đậu lăng với gạo lức; hai thứ này cung cấp protein hoàn hảo cùng tất cả các amino axit cốt yếu với lượng vừa đủ.

Miếng to hơn: hãy để hỗn hợp này càng lúc càng lộn nhộn hơn khi bé đã quen với nó.

Rau xanh: cung cấp nhiều dưỡng chất, trong đó có beta carotene (quan trọng cho hệ miễn dịch phát triển khỏe mạnh) và folate (một loại vitamin B hỗ trợ cho sự phát triển khỏe mạnh của các tế bào mới).

Làm quen: Trộn súp lơ với rau bó xôi, cà rốt, măng tây hay đậu xanh để làm thành một món bột nghiền ngọt hơn, mịn hơn.

Miếng to hơn: Hấp bông cải xanh, đậu xanh hay măng tây lên. “Thêm một chút bơ hoặc tỏi để cho thêm vị.


7. Cùng ăn và cùng đi ăn nhà hàng

Webtretho - Cho bé đi ăn nhà hàng

Đi ăn ngoài không chỉ cho bé quen với nhiều loại thức ăn mới mà còn phát triển những kỹ năng xã hội lý thú.

Cho bé đến bên bàn ăn sẽ cho phép bé trông thấy bạn thưởng thức thức ăn. Thêm vào đó, nghiên cứu đã liên hệ được những bữa ăn đều đặn của gia đình với rất nhiều ích lợi cho con trẻ, bao gồm cả việc tự tin hơn và có kết quả học tập tốt hơn. Nếu việc ăn cùng nhau từ thứ Hai đến thứ Sáu là không thể thực hiện được thì cũng hãy thực hiện điều đó vào cuối tuần. Nếu bạn không thích nấu nướng thì có thể gọi thức ăn về nhà hay ra ngoài tiệm. Đưa trẻ sơ sinh đến nhà hàng dạy cho chúng từ sớm rằng thức ăn thật đặc biệt. Điều đó cũng có những lợi ích khác, chẳng hạn bé có thể nhận biết các món ăn từ nhiều nước khi đi ăn nhà hàng ẩm thực nước ngoài với bố mẹ, hoặc học được cách cư xử lịch thiệp khi ở nơi đông người. Bạn thấy đấy, những buổi ăn ngoài vừa nhàn cho mẹ mà lại vừa giúp bé khám phá thế giới kỳ diệu bên ngoài nhà mình nữa.

8. Hãy làm hình mẫu tốt cho con

Nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng để khuyến khích con ăn thứ gì đó thì việc bạn làm – chứ không phải điều bạn nói – mới quan trọng. Vậy nếu bạn cũng là người kén ăn thì sao? Tốt nhất là đừng gợi sự tập trung vào chuyện đó: “Nếu bạn ghét ăn rau nấu thì hãy chọn salad, thử nhúng cà chua bi vào sốt ít béo rồi ăn cho con xem. Con bạn sẽ thấy bạn đang ăn rau một cách rất vui vẻ.” Ngoài ra, chuẩn bị thêm một suất rau củ khác bên cạnh món rau bạn không thích để trẻ có thể thấy là bạn vẫn đang ăn rau. Tuy nhiên, khi dùng mẹo này, hãy đồng thời chú ý đến thói quen ăn uống của chính bạn để có thể trở thành một hình mẫu tốt hơn. Nếu bạn đã tránh một loại thức ăn nào đó mà bạn không thích trong nhiều năm liền, hãy suy nghĩ lại và cho nó cơ hội thứ hai.

Webtretho - Trình bày món ăn ngộ nghĩnh cho bé

Những món ăn bắt mắt khiến trẻ hào hứng hơn.

9. Hãy làm cho những bữa ăn trở nên hấp dẫn.

Khi đang phải đương đầu với một đứa trẻ chập chững “biết suy xét”, bạn sẽ có xu hướng ép con ăn chút bông cải xanh hay thậm chí năn nỉ, hối lộ con bằng món tráng miệng. Thay vào đó, hãy khuyến khích con ăn bằng cách khiến các món ăn ấy trông ngon hơn – và cả vui nhộn hơn nữa. Hãy dọn thức ăn trong những cái bát nhiều màu sắc và dọn kèm cả nước chấm đặc biệt; làm những khuôn mặt từ chiếc bánh kếp và sandwich với rau và trái cây; thậm chí cả bánh vòng với phô mai ít béo cũng có thể trở nên vui hơn một ít nho khô làm mắt và miệng. Bên cạnh đó, hãy chế biến thức ăn ở những hình thức mà trẻ dễ cầm và ăn được. Hãy để con tự bốc ăn, điều đó khiến chúng có cảm giác được lựa chọn thức ăn cho mình bởi chúng được bốc thứ mà chúng muốn ăn trước tiên. Bé sẽ thích thú với việc ăn uống hơn.

10. Hãy thoải mái!

Đừng bao giờ so sánh việc bé của bạn không ăn thứ mà một đứa trẻ khác ăn ngon lành. Đây không phải là một cuộc thi vì khẩu vị mỗi bé là khác nhau. Việc con bạn có ăn hay không ăn bông cải xanh tối nay hay không cũng không quan trọng. Nuôi dạy một đứa trẻ ăn ngoan phải mất nhiều năm, thậm chí là một quá trình bền bỉ đến chục năm đến khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Đó là một quá trình mở, kéo dài liên tục. Nhưng nếu bạn luôn có thái độ đúng đắn và dọn lên bàn những món ăn đúng đắn thì cuối cùng rồi con bạn cũng sẽ ăn thôi.

Tô màu gì cho bữa ăn tối nay con nhỉ?

Webtretho - Màu thực phẩm

Mỗi màu sắc mang một giá trị dinh dưỡng riêng biệt.

Trắng (các chất oxy hóa tăng cường hệ miễn dịch): hành tây, tỏi tây, tỏi

Đỏ (các chất oxy hóa tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C): quả ổi, cà chua, bưởi hồng, dưa hấu.

Vàng (các chất oxy hóa tốt cho thị giác): bắp, bí vàng, đậu vàng

Xanh lục (vitamin A, folate): bông cải xanh, măng tây, cải xoăn

Xanh lam/ tím (các chất chống oxy hóa tốt cho não): quả việt quất, quả mận, cà tím, nho tím đậm, cà rốt tím.

Cam (vitamin A): khoai lang, bí ngô, cà rốt, xoài.