Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

Chụp Ảnh Với Máy Ống Kính Tháo Rời - SLR (Single Lens Reflex)

Máy cho phép bạn ngắm nhìn ảnh và canh nét chủ đề trực tiếp qua ống kính của máy. Có loại máy chỉnh nét bằng tay (manual) và chỉnh nét tự động - AF (auto focus). Vài điều cần biết tối thiểu trước khi bấm máy:
- Những máy có số ISO (ASA), phải đặt số này đúng với độ nhạy ISO của phim (100, 200...). Riêng những máy tự động sẽ có hệ thống đọc độ nhạy phim (mã DX - Digital Index trên cuộn phim).

Sau khi đã hoàn chỉnh những điều trên, bắt đầu chụp ảnh với ánh sáng trời cần những bước sau:
- Chỉnh nét chuẩn.
- Đặt ánh sáng đúng cho tấm ảnh. Là sự phối hợp giữa tốc độ và khẩu độ để điều chỉnh lượng ánh sáng tác dụng vào phim. Hầu hết các máy ảnh SLR đều có hệ thống đo sáng giúp bạn chọn lựa cặp thông số tốc độ - khẩu độ phù hợp với độ nhạy ISO của phim gọi là thời chụp.

Thông qua máy đo, bạn có thể chỉnh cặp thông số tốc độ - khẩu độ bằng tay (manual) hoặc theo các chế độ TV, AV, P.
- Chọn tốc độ cố định - Ký hiệu TV (Time Value) trên máy thì khẩu độ sẽ tự động được chọn theo tốc độ bạn muốn. Chế độ chụp TV thường dùng cho những ảnh động. VD: để chụp ảnh sinh hoạt chọn tốc độ 125 - khẩu độ f8, nếu cùng một điều kiện ánh sáng này ảnh hoạt động nhau hơn như một em bé đang chơi đá cầu, tăng tốc độ 250 - khẩu độ tự động sẽ mở lớn f5.6 để đảm bảo lượng ánh sáng như nhau.
- Chọn khẩu độ f cố định - ký hiệu AV (Aperture Value) trên máy thì tốc độ sẽ tự động điều tiết theo khẩu độ. Chế độ chụp AV thường dùng cho những ảnh tĩnh, phong cảnh. Hai chế độ chụp TV và AV gọi là chế độ bán tự động. Nếu máy chỉ có một chế độ TV mà thôi, trong khi đó bạn lại muốn bức ảnh của mình có độ rõ nét sâu, chi tiết (ảnh trường lớn) cứ sử dụng chế độ TV và chọn tốc độ thật chậm từ 1/30 giây hay chậm hơn, lúc đó khẩu độ sẽ tự động đóng nhỏ lại. Tuy nhiên do tốc độ chụp chậm dễ làm rung máy, cần phải tì máy vào một điểm tựa thậm chí sử dụng chân máy. Còn nếu máy chỉ có chế độ AV không thì sao? Để chụp những hoạt động nhanh, cứ mở khẩu độ lớn f4 hay lớn hơn f2.8, f2... lúc đó tốc độ sẽ nhảy nhanh nhất theo điều kiện máy.

Nếu bạn là người chưa sử dụng máy nhiều, nên chọn chế độ TV với tốc độ khoảng 1/60, 1/125 tương đối sẽ không rung máy làm ảnh bị nhòe.
- Còn nếu máy có điều kiện với chế độ P - Program thật thuận tiện, máy sẽ tự động tốc độ - khẩu độ, ta chỉ việc canh nét và bấm, thậm chí nếu là máy AF chỉ cần chạm nhẹ nút bấm để lấy nét sau đó 2-3 giây bấm máy là xong, khỏi phải lo lắng suy nghĩ nhiều.
Có những loại máy hội đủ 3 chế độ AV, TV, P tùy bạn muốn chụp theo chế độ nào cho phù hợp với yêu cầu.
- Tuy nhiên cho dù chế độ tự động hoặc bán tự động, có lúc máy cũng gặp sự cố. Lúc đó người chụp cần chế độ Manual - M sử dụng đo sáng bằng mắt thường (không xài máy đo) theo qui tắc f/16 như sau:
Ống kính tiêu chuẩn (ống kính normal).
Ánh sáng chuẩn (ánh sáng chiếu từ phía sau vị trí đặt máy tới chủ đề).
Nắng ráo khoảng 1 giờ sau bình minh đến 1 giờ trước hoàng hôn (khoảng 7g - 17g ở Việt Nam). Khẩu độ chuẩn là f16, tốc độ được chọn sẽ gần nhất với độ nhạy ISO của phim đang sử dụng.
Phim ISO 100 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 200 - tốc độ sử dụng 1/125, ISO 400 - tốc độ sử dụng 1/500,...

Lúc đó khẩu độ tương ứng sẽ được thay đổi như sau:
- Trời trong, không mây, nắng rực, bóng đổ trên mặt đất đen đậm: f/16
- Trời nắng, nhiều mây, bóng đổ trên mặt đất dịu: f/11
- Trời sáng nhưng mây mù, không thấy bóng đổ: f/8
- Trời mây mù âm u, có sương mù: f/5.6
- Trời mù mịt, sương mù dày đặc: f/4
- Trời nắng nếu chủ đề vào hẳn trong bóng râm: f/5.6

Với cách đo sáng này, nếu chụp ảnh với ánh sáng ngược (Hướng ánh sáng sau lưng chủ đề chiếu đến mặt máy) chủ đề chiếm khoảng 2/3 khung ảnh, cần mở rộng hai lần khẩu độ. Với ánh sáng chếch ngược hoặc tạt ngang, mở rộng 1 lần khẩu độ.

Bạn có thể căn cứ theo thông số của các thời chụp trên mà tăng giảm tốc độ - khẩu độ tương ứng để có được hiệu quả như mong muốn.

Đối với những nơi thiếu sáng (không đủ ánh sáng trời) lúc đó phải sử dụng đèn flash như trong nhà, cảnh trời tối... Các loại máy ảnh SLR đều có tốc độ "ăn đèn" đồng bộ giữa máy và đèn flash thường là 1/60 hoặc 1/125. Bạn có thể sử dụng từ tốc độ này trở xuống, lúc đó ánh sáng từ đèn flash sẽ phát ra đến chủ đề và dội trở lại mặt phim. Do đó khi chụp bằng đèn flash khoảng cách giữa đèn và chủ đề quan trọng. Hầu hết các flash hiện nay đều có bảng chỉ dẫn trên đèn hướng dẫn khoảng cách bao nhiêu sẽ đặt khẩu độ nào. Nếu đèn có thêm phần Auto sẽ cho chỉ dẫn với một khẩu độ nào đó sẽ đều sáng. Ví dụ: Đèn cho Auto 5.6 từ 1m - 5m có nghĩa là các vật thể trong khoảng từ 1m - 5m nhận được một lượng ánh sáng đến như nhau. Lúc đó bạn chỉ để ý đến canh nét, còn lại để nguyên tốc độ, khẩu độ.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

Điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau

Dù đã cố, bà vẫn không thể cứu vãn cuộc sống hôn nhân của con gái. Bà tâm sự...

- Khi bà chia tay với ông con gái đã sắp xếp một chuyến du lịch mong hàn gắn ba mẹ. Vậy khi hôn nhân của con gái đang ở bờ vực, bà đã khuyên giải con thế nào?

- Cuộc đời có duyên, có nợ. Cuộc tình của con tan vỡ cũng không tránh khỏi quy luật. Bản thân tôi cũng khóc vì thương hai đứa rất nhiều. Với tư cách một người mẹ, người bạn, những gì cần nói đã nói, cần làm cũng đã làm, nhưng tôi tôn trọng quyết định riêng của chúng. Đôi khi, hạnh phúc như một cái vung tay, mình không thể níu kéo. Đến lúc phải buông thì buông, níu kéo để rồi cằn nhằn, rồi không vui vẻ với nhau thì không hay chút nào.

- Thường khi có đổ vỡ, người ta hay quy kết trách nhiệm. Trong chuyện của con gái mình, bà nghĩ lỗi thuộc về ai?

- Không thể đổ lỗi cho ai cả. Cả trước và sau khi sự việc xảy ra, tôi vẫn thương và xem hai đứa đều như con ruột của mình. Thật ra, hai đứa đều rất dễ thương, nhưng khi gắn với nhau lại sinh ra biết bao chuyện nhỏ nhặt. Đặc biệt là tính tự kiêu, tự ái. Nó rất nguy hiểm, "giết" người ta bất cứ lúc nào. Nhiều cái nhỏ nhặt góp vào, thành ra việc lớn. Mình không như ý, cũng phải biết chấp nhận. Tiếng Mỹ có câu: "Take two to tangle" (phải có hai người mới nhảy điệu tango) đấy thôi.

- Trường hợp không gặp may trong đời sống hôn nhân của bà và con gái dễ làm mọi người nghĩ đến cụm từ "hồng nhan đa truân". Bà nghĩ sao?

- Từ "đa truân" làm liên tưởng đến những người đàn bà cam chịu, cố lờ đi trước mọi thói hư tật xấu của chồng để an phận trong đời sống. Nhưng tôi không như thế. Người đàn ông đã có cử chỉ yêu đương với phụ nữ khác, khi quay về cảm giác dành cho nhau làm sao còn nguyên vẹn, thiêng liêng nữa. Có lẽ, tôi là người quan niệm hơi cổ hủ.

- Và đó cũng là nguyên nhân khiến hôn nhân của bà tan vỡ?

- Giờ ngồi lại, kể vì sao nên chuyện không để làm gì. Điều tôi tự hào là dù trong hoàn cảnh nào, mình cũng đã làm tròn trách nhiệm của một người vợ, đã đóng một vai trò quá đẹp cho chồng hãnh diện. Người ta không thấy giá trị của mình thì cũng đành chịu.

- Vì sao mà ly hôn đã lâu, bà vẫn không tiến thêm bước nữa?

- Tôi có bạn trai, nhưng không nhất thiết trói buộc nhau bằng cuộc sống hôn nhân. Ngày trước khi đám cưới với ông, tôi cũng đâu cần đến tờ hôn thú. Cho đến khi sinh con, mọi người ép quá, tôi mới ký vào tờ giấy để hợp thức hóa vị trí vợ chính của mình và để con mình có cha.

Tôi không tin vào hôn nhân bởi cái tình mình mang ra, dâng tặng cho người mình yêu mới là quý hóa. Thành công thì không nói. Khi thất bại, mình sẵn sàng là bóng mát cho người yêu tựa vào. Lúc đó mới là dịp để thể hiện lòng chung thủy, sự cần có nhau trong đời sống. Cho nên, tôi mới thích câu hát "hãy cứ là tình nhân", để được mãi chiều chuộng, nâng niu. Như vậy hay hơn là cưới nhau rồi mất đi những lời yêu ngọt ngào, tình cảm dần phai nhạt.

- Trải qua những thăng trầm trong đời, điều gì khiến bà thấy trân trọng nhất?

- Cuộc sống là phước phần, không ai có thể định nghĩa nó. Sau những vui buồn, điều đọng lại trong tôi là tấm lòng tử tế, sự khiêm nhường mà con người dành cho nhau. Tôi cũng lấy đó mà dạy dỗ con cháu: đừng bao giờ nói xấu ai điều gì, thậm chí là kể lại cái xấu. Mỗi người có một cái nghiệp phải trả. Mình cố ăn ở tốt đẹp để người ta thấy mà không nói sai về mình.

Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông

Phụ nữ khi sinh đẻ sự an nguy sống chết chỉ trong nháy mắt, chẳng khác gì một chiếc thuyền đang vượt biển khơi, chỉ khi nào cập bến mới là bình yên thực sự.

"Tọa thảo lương mô", hay "Những phương pháp tốt khi sinh đẻ", là một phần trong pho Lãn Ông Tâm Lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Trong lời nói đầu Hải Thượng Lãn Ông ghi lại rằng: Quy luật sinh hóa của thiên nhiên rất mầu nhiệm, âm dương bốn mùa sinh trưởng hóa sinh, vạn vật đều có sự phân biệt khác nhau, huống gì đối với con người há không có sự nuôi dưỡng chu đáo hay sao?

Hải Thượng Lãn Ông đã đưa ra 10 điều khuyên dạy khi sinh đẻ:

1. Có thai và sinh đẻ là hiện tượng tự nhiên bình thường của phụ nữ, nếu thai phụ khỏe mạnh, khí huyết sung túc, tinh thần đầy đủ, thư thái thì việc sinh đẻ tự nhiên như người ngủ tỉnh dậy, thai có xu thế tự nhiên tìm đường ra. Nếu thai yếu thì nên bổ khí dưỡng huyết. Khi sinh đẻ cần được bà đỡ lành nghề, sản phụ không nên rặn sớm quá.

2. Khi sắp sinh, sản phụ cần an tâm định chí, thoải mái tự nhiên, đừng lo sợ, cần ăn uống đầy đủ nghỉ ngơi sinh hoạt tự nhiên, gắng chịu đau. Bình thường thì đến thời điểm chín muồi thì tự nhiên đẻ như người đi đại tiện, như quả chín tự nhiên rụng.

3. Người đỡ không được thấy sản phụ kêu đau mà ép rặn (đẻ) sớm quá, đến khi thai xuống, sản phụ không còn sức rặn để đẩy thai ra.

4. Khi sắp đẻ không nên nằm co mà ngủ, nên gượng dậy đi lại trong phòng.

5. Đến lúc đẻ cần đẻ tự nhiên không nên thúc giục, sản phụ mà rặn đúng lúc giống như chờ cho quả chín thì cuống sẽ rụng tự nhiên.

6. Cần chọn bà đỡ trung hậu, lão thành, tác phong thư thả, bình tĩnh.

7. Người đỡ cần biết phân biệt giữa tình trạng cơn đau giục giã với tình trạng sắp đẻ thật sự.

8. Sản phụ phải giữ sức đừng vội rặn sớm quá mà đuối sức, đợi khi con tới cửa mình thì chỉ rặn một hơi là con ra.

9. Sắp đẻ chớ nên bói toán, cầu cúng mà hoang mang.

10. Sắp đẻ nên ăn cháo trắng đặc nhừ, đừng ăn đồ cứng, lạnh khó tiêu, đừng để đói khát nhưng chớ ăn no mà chỉ để hơi đói là tốt.

Hải Thượng Lãn Ông còn chỉ ra 7 nguyên nhân làm khó đẻ:

1. Vì nhàn rỗi quá làm cho khí huyết kém lưu thông. Thường thấy phụ nữ nông thôn lao động chân tay lại đẻ dễ.

2. Vì bồi dưỡng ăn uống thừa quá. Thường thấy phụ nữ ăn uống sinh hoạt bình thường lại đẻ dễ.

3. Vì ham dâm dục làm thai động hao tổn khí huyết. Thường 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai dễ bị ảnh hưởng hơn.

4. Vì lo sợ hoang mang.

5. Vì nhút nhát, nhất là ở sản phụ đẻ con so, hoặc sản phụ tuổi cao.

6. Vì quá sợ hoảng hốt, vội rặn sớm thai ra không bình thường.

7. Vì đuối sức rặn sớm quá.

(Sưu tầm)